|
|
Ông Nguyễn Bá Lộc, ở xã Hương Bình đã có nguồn thu 700 triệu đồng/năm từ thu hoạch cam, quýt, thanh trà |
Từ những mô hình
Ông Nguyễn Bá Lộc, ở thôn Quang Lộc, xã Hương Bình (Hương Trà) là một trong số những hộ dân tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả đặc sản. Thời gian qua, ông Lộc đã trồng 5ha cây ăn quả đặc sản, gồm cam V2, cam Xã Đoài, quýt Thanh Bình, thanh trà, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Đây là hướng sản xuất mất nhiều công sức, nhân lực và chi phí cao hơn, nhưng bù lại giá cả và đầu ra của sản phẩm ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ông Lộc, riêng diện tích đang cho thu hoạch trên 2ha, với hơn 400 gốc cam trồng xen canh với quýt, mỗi năm cho sản lượng khoảng 30 - 35 tấn, gia đình ông đã có nguồn thu hơn 600 - 700 triệu đồng.
Hương Bình là một trong 3 xã vùng gò đồi của thị xã Hương Trà hội tụ đầy đủ các yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển diện tích cây ăn quả đặc sản. Để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, HĐND xã Hương Bình đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Cải tạo vườn tạp, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch” trên địa bàn, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất trồng cây cao su bị gãy, đổ sau các trận bão sang trồng cây ăn quả. Đến cuối năm 2022, toàn xã Hương Bình có tổng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản hơn 80ha.
Trong khi đó, ngay từ năm 2019, HTX Nông nghiệp Đông Toàn, xã Hương Toàn (Hương Trà) đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, HTX Nông nghiệp Đông Toàn đã phối hợp với Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế thực hiện với diện tích 13,5ha giống lúa NA2; phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà thực hiện 52ha giống lúa khang dân theo hướng VietGap và phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm thực hiện 8,2ha lúa hữu cơ. Qua thực hiện các mô hình cho thấy, người dân được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết quả của mô hình cho năng suất và sản lượng cao, giá trị ổn định và được bà con xã viên đồng tình hưởng ứng.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Phát triển trồng cây ăn quả đặc sản và liên kết sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao là những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong triển khai chương trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thị xã Hương Trà. Trong đó, điểm mới của mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm là sản xuất sạch, an toàn, tạo thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Để thực hiện chương trình có hiệu quả, thời gian qua, thị xã Hương Trà chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao nhằm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa; thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tăng cường liên kết, liên doanh trong khâu sản xuất và tiêu thụ.
Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết, địa phương đã lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh ở các vùng trọng điểm để tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện và tập trung xây dựng các mô hình có áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ phù hợp, nhân rộng các mô hình hiệu quả góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Hương Trà phấn đấu đến năm 2025 có tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt khoảng 6.000ha, duy trì diện tích đất trồng lúa khoảng 1.700ha; xây dựng vùng cây ăn quả khoảng 750ha, trong đó cây ăn quả đặc sản thanh trà, bưởi, quýt khoảng 350ha. Cây công nghiệp dài ngày, cây cao su duy trì ổn định 1.500ha. Bố trí quỹ đất để hình thành vùng trồng cây dược liệu khoảng 80ha. Theo ông Trần Xuân Anh, để hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch và chất lượng cao, Hương Trà tập trung thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao...