|
|
Các sản phẩm làm từ sợi cỏ bàng như ví, túi xách, mũ, nón... của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt tham gia trưng bày tại hội chợ ở Thái Lan và được du khách ưa chuộng |
Đề án khôi phục và phát triển làng nghề đệm bàng Phò Trạch đến năm 2025 và định hướng đến 2030 đã được UBND huyện Phong Điền phê duyệt với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Trong đó, xã Phong Bình đã quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 8ha, đồng thời tiếp tục nhân rộng để tăng lên 20ha vào năm 2030, tạo việc làm cho hơn 1 ngàn lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, để tiếp sức cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch, từ nguồn vốn KC Quốc gia, Sở Công thương đã hỗ trợ 200 triệu đồng trang bị máy cắt laser và máy sấy lạnh phục vụ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ống hút từ cỏ bàng. Các thiết bị này góp phần giúp DN phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ nguyên liệu cỏ bàng, sau khi trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, hiện cơ sở đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm phục vụ du lịch, như: ống hút, túi xách, ví, mũ, nón…
Cùng với làng nghề đệm bàng Phò Trạch, thời gian qua nguồn vốn KC đã tiếp sức cho nhiều nghề và làng nghề phát triển, tạo động lực để các cơ sở đầu tư trang, thiết bị phục vụ sản xuất, thay thế dần các máy móc lạc hậu nhằm cho năng suất cao, hạ giá thành để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, như mây tre đan, điêu khắc gỗ, đúc đồng, dệt zèng, thêu, hoa giấy…
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thời gian qua, với sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và địa phương trong tổ chức triển khai, sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất, công tác khôi phục và phát triển nghề, làng nghề, sản xuất sản phẩm xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Một số nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như đúc đồng Phường Đúc, mộc điêu khắc Mỹ Xuyên, mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng A Lưới… Ngoài ra, một số làng nghề được bảo tồn như tranh làng Sình, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương… Có nhiều yếu tố đóng góp vào những kết quả trên, trong đó có chương trình KC. Các hoạt động KC đã góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm trong khu vực nông thôn.
Xác định nguồn vốn KC có vai trò quan trọng, là “vốn mồi” nhằm khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nguồn vốn KC đã được sử dụng hiệu quả, góp phần kích cầu đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, khôi phục và phát triển một số ngành nghề và làng nghề truyền thống. Năm 2023, nguồn vốn KC tiếp tục triển khai, trong đó ưu tiên các hoạt động, như hỗ trợ công tác đào tạo nghề và nâng cao năng lực quản lý DN; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT trong việc thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ - thiết bị mới…