Thứ Sáu, 05/04/2024 17:07
(GMT+7)
Sớm đưa mô hình quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn vào thực tế
TTH.VN - Ngày 5/4, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo góp ý quy trình và chia sẻ kết quả đề tài quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn.
|
Các chuyên gia góp ý để đề tài sớm triển khai vào thực tế |
Thời gian qua, bệnh khảm lá sắn diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều diện tích sau khi trồng bị bệnh cho năng suất thấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Qua nhiều năm, bệnh khảm lá sắn vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Trước tình hình đó, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 1/2021.
Theo đó, các chuyên gia đã nghiên cứu các biện pháp quản lý bệnh trong năm 2021, năm 2022; triển khai trồng và chăm sóc mô hình mẫu với diện tích 1ha trên đồng ruộng (FFS). Quá trình triển khai khai được kiểm soát nguồn giống bằng phương pháp sinh học phân tử; xử lý chất kích kháng và chăm sóc để cây khỏe; quản lý tốt bọ phấn trắng, tác nhân chính làm lây lan bệnh khảm lá sắn…
Sau gần 2 năm triển khai nghiên cứu, thực hiện mô hình trình diễn, chuyển giao mô hình cho cán bộ và nông dân, kết quả diện tích 1ha sắn phát triển tốt, không bị bệnh khảm lá sắn, cho năng suất cao. Đủ các điều kiện để nhân rộng vào thực tế để cán bộ, nông dân học tập và áp dụng vào thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu đã tiếp tục góp ý về các giải pháp để quản lý tốt bệnh khảm lá sắn trong thời gian đến, nhất là khi nhân rộng mô hình. Các chuyên gia cho rằng, cần chuyển giao sớm các kết quả cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để thực hiện nhằm đẩy lùi bệnh khảm lá sắn.
ĐỨC QUANG