Chương trình vùng bãi ngang đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn các xã vùng ven biển và đầm phá. Hàng chục ngôi chợ được đầu tư, nhiều chợ có quy mô trở thành trung tâm thương mại sầm uất của vùng, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, lấn chiếm lề đường, gây mất trật tự và xảy ra tai nạn giao thông.
Thư viện dành cho trẻ em ở xã bãi ngang
Trở lại xã Điền Hải (Phong Điền), ấn tượng nhất với chúng tôi là chợ Điền Hải, được xây dựng khá khang trang, thuận tiện cho người dân ở các xã Phong Hải, Điền Môn, Điền Hòa, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi… buôn bán. Bà Đỗ Thị Minh, người dân trong xã, bộc bạch: "Ngày trước, các tuyến giao thông ở các xã bãi ngang là cát trắng, mùa hè bỏng rát chân người, mùa mưa thì ngập nước, ứ đọng, giao thông bị chia cắt, vận chuyển bất cứ thứ gì cũng phải gánh gồng trên vai, có khi thực phẩm bị ươn do phải di chuyển quá lâu. Một đoạn đường chừng vài cây số cũng lầy lội, toàn phải nhờ trâu vận chuyển. Sau khi con đường dài dọc tuyến đầm phá hoàn thành, xe chạy vào tận nơi để vận chuyển hàng hóa nên giá thành cũng hạ".
Đời sống của đại bộ phận dân cư được cải thiện nhờ nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh phát huy tác dụng, liên kết giữa đô thị với vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hoá, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư giúp dân chủ động nguồn nước tưới, giảm nguy cơ sạt lở, xói mòn. Tại xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), nhờ được đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi, mở rộng cách làm ăn đúng hướng. Nhiều gia đình mua sắm máy cày, máy gặt lúa và đầu tư sản xuất. Từ một vùng đồng ruộng đất cát chua phèn nhiễm mặn, năng suất lúa thấp thì nay Vinh Hưng đã đạt năng suất 52,5 tạ/ha.
Tại các địa phương hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn trong nhiều lĩnh vực, như: giáo dục, y tế, nước sạch, giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng... người dân, nhất là người nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Diện mạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề để phát triển kinh tế- xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng miền trong tỉnh.
Với phương châm: “Xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập”, tại các xã bãi ngang ven biển, các dự án đã thu hút lao động địa phương trong quá trình vận chuyển vật liệu, tham gia lao động, đào, đắp, san nền. Nhiều công trình trọng điểm, nhờ sự tích cực tham gia đóng góp, xây dựng của người dân đã hoàn thành sớm hơn dự kiến, có giá trị thiết thực trong đời sống của bà con, đồng thời tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn.
Trong 5 năm 2011 - 2015, dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đầu tư trên 178 tỷ đồng ở các xã. Tỉnh đầu tư xây dựng trên 300 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học; trong đó, có khoảng 50km đường giao thông nông thôn, đường thôn bản được bê tông hóa; sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Từ các công trình này, hàng năm có hàng trăm ngàn hộ dân được hưởng lợi. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng bãi ngang ven biển thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã giảm từ 2,0%-2,5% năm.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động TBXH cho biết: Để nâng cao hiệu quả, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa của chương trình, mục tiêu giảm nghèo của địa phương và chính sách. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được chú trọng hơn nữa. Đây sẽ là cơ hội thoát nghèo và là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn.
Khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân là mục tiêu mà chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã bãi ngang ven biển hướng đến. Sau hơn 10 năm triển khai, vùng bãi ngang ven biển ở Thừa Thiên Huế đã chuyển mình. Những con đường bê tông hóa, nhựa hóa, những mô hình kinh tế hiệu quả và đằng sau đó là cả một nếp nghĩ mới, cách làm mới của những ngư dân biết vượt qua cái khó, cái nghèo.
Bài, ảnh: AN NHIÊN