ClockThứ Bảy, 21/07/2018 09:54

“Tam nông” khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26

Việc phát triển công nghiệp và hạ tầng thương mại đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Bảo vệ thủy sản trong điều kiện thời tiết phức tạp

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) sau 10 năm (2008 -2017) tại Bộ Công Thương, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 năm, việc phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Bộ mặt nông thôn thay đổi

Trong đó, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, một số sản phẩm từng bước đã vươn ra thị trường xuất khẩu.

Ông Trung khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã được nhân dân hưởng ứng và ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, các hệ thống lưới điện đạt tiêu chuẩn, bảo đảm đủ sản lượng điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn từng bước được nâng cao.

Khu vực nông thôn có nhiều thay đổi thực chất sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Đặc biệt, việc phát triển mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương nông thôn. Việc chuyển đổi quy trình quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đem lại hiệu quả cao hơn so với loại hình tổ chức cũ.

Đáng chú ý theo ông Trung, mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã đảm bảo ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế. Điều này góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản - thực phẩm giữa các chủ thể tham gia mô hình, qua đó góp phần ngăn chặn các hành vi tranh mua - tranh bán…

“Các chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng linh hoạt, hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản và bảo vệ sản xuất trong nước. Chính sách giá cả nông sản, nhất là giá lúa đã gắn với đảm bảo lợi ích của người sản xuất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho rằng, công tác kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng được quan tâm phát triển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chuẩn hóa thị trường nông sản thực phẩm

Tuy nhiên, theo ông Trung, việc phát triển công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp còn chưa đồng đều giữa các vùng. Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn yếu và chưa đáp ứng được sản xuất theo công nghệ cao.

Nguyên nhân là do địa bàn nông thôn, nhất là vùng có điều kiện khó khăn chưa hấp dẫ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, phát triển các hoạt động thương mại và dịch vụ. Trong khi đó, việc hỗ trợ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa bàn nông thôn, miền núi còn thấp, cũng như việc huy động các nguồn lực khác để phát triển hạ tầng theo hướng xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Nhận xét việc phát triển hạ tầng kinh tế của nông thôn chưa giải quyết được câu hỏi, làm thế nào để người nông dân sống trên mảnh đất của mình một cách thoải mái, ông Lê Đức Doanh, Phó Giám đốc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp cho rằng, đây là trọng tâm lớn nhất ngành Công Thương cần phải giải quyết. Bởi vì, ngành Công Thương với vai trò quản lý hoạt động thương mại sẽ có tác động lớn đến công tác định hướng thị trường.

“Thời gian qua cơ quan quản lý chưa làm thật tốt công tác quản lý thị trường, vẫn còn quá dễ dãi với thị trường trong nước khi hàng nông sản thực phẩm làm ra chất lượng thế nào cũng tiêu thụ được. Do đó, ngành công thương phải chuẩn hóa lại thị trường, tổ chức lại thị trường để trên thị trường chỉ lưu thông, phân phối, kinh doanh những sản phẩm đạt chuẩn”, ông Doanh đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng, qua kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 26 tại 4 địa phương Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Giang, các địa phương đều đánh giá Nghị quyết 26 là một trong số những Nghị quyết của Trung ương đã đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất.

Qua 10 năm thực hiện, bộ mặt của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có những thay đổi rất căn bản. Đến thời điểm hiện nay ở quy mô cấp tỉnh đã có 2 tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới… Trong sự thành công chung đó, ngành Công Thương đã có những đóng góp hết sức quan trọng.

Vì thế, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong giai đoạn tới đây, ngành Công Thương tiếp tục cập nhật và xem xét những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 26 để tiến hành điều chỉnh, bổ sung để từ đó Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Hướng đến mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết đó chính là nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ phải phát triển tốt hơn nữa, khi khu vực này đang chiếm tới hơn 50% dân số sinh sống và sản xuất.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Gam sáng trong sản xuất công nghiệp

Nhiều dự án công nghiệp (CN) trọng điểm đi vào hoạt động, cùng với đó là tín hiệu khởi sắc từ các ngành CN truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đóng góp rất tích cực của ngành CN vào sự tăng trưởng chung.

Gam sáng trong sản xuất công nghiệp
Return to top