Ngoài đa phần đốt bỏ một số địa phương đang thu gom rơm để trồng nấm
Nạn đốt đồng vẫn phổ biến
Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh thu hoạch hơn 28.660 ha lúa. Hiện, hầu hết các địa phương sau thu hoạch, người nông dân chọn giải pháp đốt rơm rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng để vừa đỡ tốn công, nhanh chuyển sang vụ mới.
Theo nhiều nông dân, việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng giúp giải phóng nhanh mặt ruộng để làm đất, kịp thời gieo cấy vụ mới. Hơn nữa, khi đốt trực tiếp rơm rạ sẽ để lại cho đồng ruộng một lượng tro xem như dạng phân bón cho cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chính nhận thức sai lầm của bà con lâu nay cộng thêm vì thấy lợi trước mắt của việc đốt rơm rạ nên dẫn đến gây tác hại đến nhiều yếu tố.
Cần hiểu rằng, tro từ đốt rơm rạ là dạng phân bón như người dân hiểu chỉ là dạng tro bếp nên không có lợi cho đất. Việc đốt rơm rạ gây thiệt hại rất lớn, vì khi đốt tạo ra lượng khói bụi độc hại ảnh hưởng môi trường; làm đất chai cứng, khô cằn, tiêu diệt các sinh vật thiên địch có lợi, ảnh hưởng sinh trưởng của cây lúa.
Dù trước mỗi vụ thu hoạch lúa, tỉnh đều ra văn bản chỉ đạo ngăn chặn, song tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương. Việc làm này không chỉ lãng phí nguồn phế phẩm nông nghiệp mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước, không khí và che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông.
Trong khi đó, một số vùng cần rơm để làm nấm như: Phú Lương, Phú Đa (Phú Vang), Thủy Lương (TX. Hương Thủy)... lại đang thiếu nguồn nguyên liệu này.
Ông Nguyễn Tý, thôn Lương Lộc, xã Phú Lương, Phú Vang chia sẻ, là vùng có truyền thống làm nghề trồng nấm, đối với bà con, rơm là nguồn lợi quý. Mỗi vụ thu hoạch, ngoài nguồn rơm từ diện tích lúa của gia đình, mỗi nhà phải đi xin hoặc mua thêm nhưng vẫn không đủ. Nếu được tạo điều kiện máy móc thu gom rơm, hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, nguồn rơm rạ sẽ được tận dụng tối đa, hạn chế đốt bỏ lãng phí.
Giải pháp tận thu
Năm 2019, HTX An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền là đơn vị điển hình đi đầu trong ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm trực tiếp trên đồng sau thu hoạch. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức thu mua rơm tại ruộng với giá tạm thời là 10 nghìn đồng/sào để tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ cho biết, rơm cuộn thu gom được đơn vị bán phục vụ bón cho cây trồng hữu cơ, làm nấm, trồng hoa, làm thức ăn cho trâu, bò... với giá 15 nghìn đồng/cuộn. Thời gian tới, khi đầu ra ổn định, đơn vị sẽ tăng giá mua rơm tại ruộng để kích cầu sự hợp tác, hạn chế việc đốt bỏ của bà con.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng, chủ trang trại Green Life Farm ở phường Hương An, TX. Hương Trà cho biết, hiện cơ sở đang làm đề án xử lý phế phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm để thương mại hoá hiệu quả. Cụ thể, cơ sở sẽ xử lý thành phân bón và nguyên liệu nấm rơm và nhiều sản phẩm khác từ rơm rạ để phục vụ trồng trọt. Kế hoạch, cơ sở sẽ thu mua rơm rạ cho bà con nông dân với giá 50 nghìn đồng/sào ruộng. Đơn vị sẽ tự cuốn, thu gom trực tiếp trên đồng cho bà con.
Hiện nay, dù đã có những mô hình tận dụng nguồn rơm rạ tái phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, song vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đại trà ở các địa phương. Để giải quyết triệt để tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo tác hại, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhằm đổi thói quen cho người dân để có biện pháp xử lý hiệu quả.
Theo ông Hồ Đắc Thọ, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập huấn cho người dân để ứng dụng các kỹ thuật sinh học bằng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ, qua đó làm phân bón cho đồng ruộng trước khi cày vỡ đất, làm đất để gieo cấy. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật này vừa hạn chế việc đốt rơm rạ, vừa tạo chất mùn, chất hữu cơ trở lại cho đất, giúp cây lúa phát triển và sinh trưởng tốt.
Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục huy động các nguồn hỗ trợ, xã hội hoá đầu tư máy cuộn rơm và kêu gọi các sáng kiến, phương án khả thi trong việc tận thu nguồn rơm rạ phù hợp điều kiện thực tế để tạo sản phẩm tái phục vụ nông nghiệp.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG