Tạo liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được xem là giải pháp bền vững cho nông sản hiện nay
Đánh giá về tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn thời gian qua, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận:
Nhiều nông sản của Thừa Thiên Huế còn sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong tỉnh. Cũng như các địa phương khác, thời gian qua, do ảnh hưởng COVID-19, việc tiêu thụ nông sản trong tỉnh cũng ảnh hưởng, giá bán thấp hơn mọi năm, nhất là sau Tết Nguyên đán. Mặt khác, năm nay thời tiết thuận lợi cho sản xuất rau màu vụ đông xuân, các tỉnh phía Bắc được mùa, nguồn cung nhiều, sức mua giảm nên cũng ảnh hưởng đến giá cả.
Với tư cách là đơn vị quản lý ngành, ông nhìn nhận như thế nào khi người trồng rau xanh tại các địa phương trong tỉnh hiện đang gặp khó khăn do giá “chạm đáy”?
Tình trạng này sẽ không kéo dài. Để giải quyết vấn đề này thì hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là giải pháp quan trọng, có tính cơ bản và lâu dài.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND qui định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Do vậy rất thuận lợi để thực hiện.
Để thực hiện tốt hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hiện nay có 4 việc cần quan tâm:
Thứ nhất, phải tổ chức lại sản xuất. Hiện nay nông dân chủ yếu sản xuất riêng lẻ, quy mô nhỏ và theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Cần phải hình thành tổ, nhóm, DN, hợp tác xã để sản xuất có quy mô hợp lý, dưới sự điều hành của tổ, nhóm, DN, HTX nhằm sản xuất sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã; sản phẩm cung ứng ra thị trường phù hợp từng thời kỳ, có số lượng đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối,… Tổ, nhóm, DN, HTX sẽ đại diện nông dân để ký hợp đồng hợp tác, liên kết với các tổ chức cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Thứ hai, phát triển, mở rộng sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm có chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Những sản phẩm là lợi thế, thế mạnh của địa phương cần phát triển thành sản phẩm OCOP.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu việc sản xuất, tiêu dùng nông sản an toàn; giới thiệu các điểm, cửa hàng bán nông sản an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hỗ trợ phát triển thị trường nông sản an toàn.
Và, thứ tư là thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vận động, thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN, HTX đầu tư hệ thống các điểm, cửa hàng bán nông sản an toàn.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản (trong đó có các loại rau xanh) vẫn chưa “có mặt” ở các siêu thị trong và ngoại tỉnh, giải pháp, cơ chế của ngành như thế nào để giúp nông dân kết nối được thị trường?
Nói nhiều mặt hàng (trong đó có rau xanh) vẫn chưa “có mặt” ở các siêu thị trong tỉnh thì chưa phải. Vì ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh đều có khu vực bán hàng nông sản, trong đó có các mặt hàng sản xuất tại Thừa Thiên Huế. Một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau xanh tại các vùng trồng đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đang có thị phần tại 3 siêu thị Coopmart, Vinmart và Big C cùng hệ thống các cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch tập trung quanh địa bàn TP. Huế.
Chẳng hạn như Siêu thị Coopmart nhập rau xanh hàng ngày từ vùng trồng rau VietGAP xã Quảng Thành, thanh trà Thủy Biều (theo mùa); Siêu thị Big C và Vinmart từ Công ty Hoàng Mai, chuỗi nông sản an toàn chuối già lùn A Lưới…
Một số sản phẩm chủ lực đang rất được ưa chuộng tại thị trường ngoại tỉnh như hành lá Hương An, Hương Chữ xuất đi các tỉnh phía Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa…) và Đà Nẵng; rau má Quảng Thọ xuất đến vùng Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và nước bạn Lào; bưởi da xanh, thanh trà Huế xuất đi các tỉnh phía Bắc.
Tuy vậy, nông sản tiêu thụ qua kênh các siêu thị cũng chỉ một phần. Vì siêu thị thường tập trung ở các thành phố, khu dân cư tập trung. Trong lúc địa bàn nông thôn, người dân nông thôn thì rất rộng lớn. Vì vậy chợ ở nông thôn cũng là một kênh tiêu thụ rất quan trọng. Các địa phương cần quan tâm cải tạo, nâng cấp, tổ chức các gian hàng sao cho thuận tiện trong mua bán, trao đổi hàng nông sản, trong đó có nông sản sạch, an toàn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ còn nhiều bất cập, khó mở rộng quy mô liên kết chuỗi. Để giải quyết vấn đề này cần có cơ chế, giải pháp như thế nào?
Hiện nay chính sách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ từ Trung ương đến địa phương đã cơ bản khá đầy đủ. Việc không mở rộng quy mô liên kết chuỗi không phải vì do chính sách bất cập, mà do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như sản xuất quy mô nhỏ, không quan tâm vấn đề tổ chức sản xuất, tổ chức hệ thống tiêu thụ, tuyên truyền, quảng bá…
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tôi đã nêu ở các phần trên. Về chính sách, tỉnh đã ban hành khá nhiều chính sách, như: Về tái cơ cấu nông nghiệp, về khoa học công nghệ, về tài sản trí tuệ, về hỗ trợ phát triển hợp tác xã… Quá trình thực hiện, Sở NN& PTNT sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương để tham mưu điều chỉnh, bổ sung những nội dung thiếu, không phù hợp.
Hà Nguyên (thực hiện)