ClockThứ Tư, 11/05/2022 07:35

Tập trung nguồn lực thu hoạch lúa đông xuân

TTH - Dự báo sẽ có ảnh hưởng của đợt không khí lạnh trên địa bàn tỉnh, trong thời gian từ ngày 13-16/5, có thể xảy ra mưa lớn, chính quyền địa phương, các HTX chuẩn bị máy móc, nhân lực hỗ trợ nông dân tập trung thu hoạch lúa đông xuân, nhằm giảm thiệt hại trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Chủ động thu hoạch, hạn chế thiệt hại vụ đông xuân do thời tiếtHương Thủy: Khẩn trương đấu úng để người dân thu hoạch lúa kịp thờiPhú Vang chỉ đạo tập trung lực lượng hỗ trợ nông dân cứu lúaNhiều diện tích lúa đông xuân bị đổ ngãVận hành công trình thủy lợi, cống qua đê bảo vệ lúa đông xuân

Nông dân Quảng Điền tích cực thu hoạch lúa đông xuân

“Xanh nhà hơn già đồng”

Những ngày này, các địa phương đang bước vào vụ gặt, nông dân nhiều nơi tất bật thu hoạch lúa đông xuân nhằm tránh rủi ro do thời tiết. So với mọi năm, vụ mùa này, trải qua 2 trận lũ, không khí lạnh làm hàng nghìn ha lúa bị ngập úng, đổ ngã, năng suất ảnh hưởng nặng nề.

Ông Lê Tâm, xã viên HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) cho biết, làm nông mấy chục năm, chưa có năm nào vụ đông xuân lại chịu tác động nặng, ảnh hưởng năng suất cây lúa như hiện nay. Gia đình có 5 sào giống 4B, năng suất bình quân hàng năm 4-4,5 tạ/sào. Xứ đồng Quảng An vốn nức tiếng cho năng suất cao nhất nhì tỉnh. Thế mà năm nay, qua 2 đợt đổ ngã, ngập úng, đặc biệt trận lũ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, lúa ngâm trong nước nhiều ngày hư hỏng đến 50%.

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, những diện tích lúa còn lại, gia đình đã chuẩn bị máy móc, sẽ tiến hành thu hoạch nhanh và trong nội 1 tuần sẽ triển khai ngay công tác làm đất để triển khai vụ hè thu nhằm tránh mưa lũ vào cuối vụ.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú thông tin, toàn HTX vụ đông xuân này đưa vào sản xuất 240ha lúa, chủ yếu cơ cấu giống 4B, đợt mưa lũ, ảnh hưởng không khí lạnh vừa qua đã làm hơn 50% diện tích bị ngập úng, đổ ngã. Bình quân hàng năm, tại HTX năng suất lúa đạt 72-73 tạ/ha, với tình hình hiện tại năng suất ảnh hưởng khoảng 50%. Số diện tích phát triển bình thường sẽ tiến hành gặt ngay khi thời tiết thuận lợi.

Riêng một số diện tích lớn đang bị “né” (lúa ngâm nước khi đang trổ đòng, bị mọc thêm bông), HTX đang cân đối thời gian khi vừa chín vàng là tiến hành gặt. Dự kiến thời gian gặt sẽ từ 25/5, kết thúc 5/6 và trong khoảng 1 tuần sẽ tiến hành cày lật, triển khai ngay vụ hè thu.

“HTX đã hợp đồng và chuẩn bị hơn 20 máy cày, máy gặt đập liên hợp, nhân lực cùng các vật tư, phân bón, đảm bảo thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đông xuân và triển khai kịp thời lúa hè thu với hoàn toàn giống TH5 (gieo mật độ dày hơn với 8kg/sào) nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tránh mưa lũ cuối vụ”, ông Thứ cho biết.

Huy động tối đa công suất máy gặt, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân

Kịp thời phân bổ nguồn giống

Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28 nghìn ha lúa. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) - Sở NN&PTNT, đến nay, đã thu hoạch khoảng 8.700ha, diện tích dự kiến thu hoạch từ 10-15/5 khoảng hơn 10.600ha, diện tích từ 15-30/5 hơn 8.300ha.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác thu hoạch lúa vụ đông xuân 2021-2022 và triển khai vụ hè thu 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu các địa phương có kế hoạch cụ thể để huy động tối đa công suất làm việc của các loại máy gặt, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa; đặc biệt, đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông > 85%, tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại.

Ngay sau khi thu hoạch, huy động các loại máy làm đất để cày lật triển khai ngay sản xuất vụ hè thu. Đặc biệt, chú trọng giải pháp vệ sinh đồng ruộng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phân giải gốc rạ.

Sở NN&PTNT kịp thời hướng dẫn lịch thời vụ gieo trồng vụ hè thu 2022 cho nông dân, trong đó bố trí chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100,… Đồng thời, rà soát số lượng, chủ động chuẩn bị mức cao nhất giống cây trồng, vật tư đầu vào,... cho sản xuất vụ hè thu đảm bảo thu hoạch trước ngày 5/9.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục TT&BVTV thông tin, để kịp thời sản xuất vụ hè thu, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND trình Bộ NN&PTNT xin hỗ trợ 1.500 tấn lúa giống từ nguồn giống dự trữ quốc gia. Trong đó, Công ty CP Giống cây trồng – vật nuôi tỉnh 1.060 tấn, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam 440 tấn.

Theo đó, Công ty CP Giống cây trồng – vật nuôi tỉnh đã tạm ứng, phân bổ về cho các địa phương Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang 1.060 tấn giống. Đối với Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Sở NN&PTNT đã có Công văn số 1029/SNNPTNT-TTBVTV ngày 9/5 về việc tiếp nhận hạt giống cây trồng tạm cấp từ Bộ NN&PTNT, dự kiến giao nguồn giống từ ngày 10-12/5 tới.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ giống đợt 2 từ nguồn ngân sách tỉnh dự kiến khoảng hơn 509 tấn, giá giống ước khoảng 18.000 đồng/kg, tổng số tiền ước khoảng hơn 9,1 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đang hỗ trợ cho nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế ngộ độc hữu cơ khi gieo sạ lúa vụ hè thu 2022 bằng các chế phẩm sinh học với diện tích 350ha, phân bố đều các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.

Trước đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao gây mưa lớn trên diện rộng từ chiều 31/3 – 3/4 làm ảnh hướng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông xuân 2021-2022. Theo báo cáo các địa phương, ước tính diện tích lúa bị thiệt hại khoảng hơn 20 nghìn ha, trong đó thiệt hại trên 70% là hơn 11,5 nghìn ha, từ 30-70% là hơn 8,5 nghìn ha.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Ưu tiên nguồn lực cho các thiết chế văn hóa

Với vai trò là đô thị động lực của tỉnh, TP. Huế xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn đến năm 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Ưu tiên nguồn lực cho các thiết chế văn hóa
Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực

Sáng 10/11, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào.

Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Return to top