|
Ông Tuấn (trái) bàn bạc tìm cách phát triển sản xuất |
Cách đây gần 4 năm, vào cuối năm 2019, từ “cái duyên” hỗ trợ của dự án Lúc - xăm - bua, trên những cánh đồng lúa với tổng diện tích 230ha của xã Phú Mỹ, bắt đầu có 1,2ha diện tích dành cho mô hình canh tác lúa hữu cơ, do 8 hộ thuộc HTXNN Phú Mỹ 1 thực hiện. Khi dự án kết thúc, những người nông dân không mặn mà tiếp tục sản xuất theo mô hình này, bởi phải đổ công sức nhiều hơn, tốn kém hơn, nhưng năng suất lại không cao. Nhưng canh tác lúa hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích lâu dài. Đó là đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Trong vai trò đứng đầu HTX, ông Tuấn “tỉ tê” với các hộ về những lợi ích bền vững đó. “Tôi hiểu, không thể ngày một ngày hai bà con nghe liền, mà phải “mưa dầm thấm sâu” - ông Tuấn nhớ lại những ngày đi tới đi lui “mòn đường” đến nhà các hộ. “Vận động về tinh thần, đồng thời vừa hỗ trợ về vật chất, trên tinh thần cái gì mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, thì phải cố gắng hết sức. Do đó, HTX cố gắng vận động để “kiếm” nguồn. Lúc không có nguồn ổn định, HTX tính các phương án, như trích quỹ dự phòng, hỗ trợ cho những hộ đang thực hiện canh tác mô hình lúa hữu cơ. Thời gian qua cho đến nay, phương án tối ưu là HTX thu mua sản phẩm cho người sản xuất với giá cao” - ông Tuấn chia sẻ.
Tâm huyết của người “thủ lĩnh” nông dân được “đền đáp”, khi từ 1,2ha thử nghiệm ban đầu, nay diện tích canh tác theo mô hình lúa hữu cơ của HTXNN Phú Mỹ 1 đã mở rộng 5ha. Hiện, HTX đang chuyển đổi sản xuất hữu cơ thêm 5ha nữa. Luôn trăn trở và nỗ lực bước vững vàng trên đường dài ngày càng mở rộng diện tích canh tác theo mô hình lúa hữu cơ, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của Phú Vang, vị Giám đốc HTXNN Phú Mỹ 1 đảm bảo bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ với giá cao, để các hộ yên tâm sản xuất; vừa đảm bảo khâu xay xát, đóng gói, xoay xở mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài nhà hàng Duyên Anh (đặt mua gạo), Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (đặt mua 10-15 tấn lúa mỗi năm) là những khách hàng tương đối ổn định, HTXNN Phú Mỹ 1 tìm thêm đầu ra là sàn giao dịch huyện Phú Vang; một số đơn vị bán lẻ trong các khu chung cư. Thời gian gần đây, một số khách hàng ở TP. Đà Nẵng cũng đặt hàng gạo hữu cơ của Phú Mỹ. Để sản phẩm “đi ra” các tỉnh, các siêu thị, mở rộng thị trường, hiện HTXNN Phú Mỹ 1 đang được UBND huyện Phú Vang hỗ trợ thực hiện các thủ tục, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2023).
Giám đốc HTXNN Phú Mỹ 1 cho biết: HTX đang quy hoạch diện tích 20ha, để vụ đông xuân sắp tới, trồng nếp (giống từ Hưng Yên đưa vào) theo đặt hàng của tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là đơn vị thu mua sản phẩm. “Giá họ đặt từ ban đầu, 7 nghìn đồng/1kg thóc tươi, như vậy là khá đảm bảo, nên nông dân đồng ý sản xuất khi được vận động” - ông Tuấn nói.
Ngoài ra năm 2023, HTXNN Phú Mỹ 1 cũng sản xuất giống lúa chất lượng cao J02 trên diện tích 20ha, cung cấp sản phẩm theo đặt hàng của Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh. “Sắp tới, chúng tôi cũng tiếp tục sản xuất giống lúa chất lượng cao (với 2 bộ giống) trên diện tích 20ha theo đặt hàng. Đơn vị này thu mua lúa tươi cho bà con. Mừng lắm khi nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất mô hình lúa hữu cơ và các giống lúa chất lượng cao; nâng cao thu nhập và cũng là đóng góp vào sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương” - ông Tuấn bộc bạch.