ClockThứ Bảy, 21/03/2020 06:15

Tiết kiệm nước, chống hạn vụ hè thu

TTH - Mực nước các hồ thủy lợi đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, không đáp ứng được sản xuất nông nghiệp đang đặt ra.

Chống hạn vụ hè thu: Đồng bộ giải pháp "4 tại chỗ"Vận động ủng hộ hạn hán, xâm nhập mặn và phòng, chống COVID-19

Vận hành trạm bơm ở Hương Trà phòng chống hạn

Nguy cơ khô hạn

Xã Phong Xuân (Phong Điền) năm 2020 đưa vào sản xuất khoảng 750 ha lúa. Hiện nay, mực nước ở hồ Hòa Mỹ đang ở cao trình 35m, mức nước tích lũy thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, có thể tạm tưới đủ cho toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông xuân 2019-2020.

Nếu nắng hạn kéo dài và không có mưa bổ sung thì lượng nước tại hồ Hòa Mỹ khó đảm bảo tưới tiêu cho vụ hè thu, khi đó sẽ có 234 ha lúa vụ hè thu thiếu nước; cần có phương án tưới phù hợp, điều tiết phân phối nước tiết kiệm chống thất thoát để đề phòng hạn vụ hè thu và đảm bảo đủ cho những diện tích cuối kênh.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân thông tin, diện tích lấy nước qua các hồ đập nhỏ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 146 ha lúa. Qua kiểm tra tình hình tích trữ nước của một số hồ, đập nhỏ trên địa bàn như Cây Mưng, Cây Cơi, Cây Bông, Đập Hạ, hói Quảng Lộc… đa số đều thấp hơn cùng kỳ các năm trước; các hồ này có lưu vực hẹp, bồi lấp, nếu không có mưa bổ sung thì nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu 2020 rất cao.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, hệ thống thủy lợi trên địa bàn gồm 86 công trình nằm rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn. Các công trình thủy lợi ở địa phương phần lớn là công trình tạm bợ, bán kiên cố, nhiều công trình do các chương trình, dự án đầu tư đã khá lâu đã xuống cấp và hư hỏng. Với mùa khô năm nay, toàn huyện có khoảng 300 ha lúa nước có khả năng ảnh hưởng do khô hạn thiếu nước, tập trung ở các địa phương như A Ngo, Sơn Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh, A Dớt…

Chủ động ứng phó

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho rằng, để chủ động ứng phó với hạn hán, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do hạn hán, đơn vị thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình thủy lợi, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, theo dõi mực nước hồ chứa trên địa bàn tỉnh để chủ động phương án điều tiết hợp lý, tiết kiệm nước trước khi xảy ra hạn; quản lý chặt cống lấy nước tại các công trình đầu mối, các công trình tưới đảm bảo không rò rỉ nước gây lãng phí.

Đơn vị theo dõi diễn biến thời tiết, điều tiết và cân bằng nguồn nước hợp lý, thường xuyên theo dõi và phản ánh kịp thời tình hình thực hiện về thống nhất kế hoạch phát điện của các nhà máy thủy điện nhằm chủ động phòng chống hạn mặn và điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các sông chính như sông Hương, Bồ, Ô Lâu nhằm tiết kiệm chống hạn vụ hè thu; vận hành đập Thảo Long theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh đang tiến hành nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi hồ Tà Rinh, Ca Tư (Nam Đông); Phú Bài - Năm Lăng (Hương Thủy); Thọ Sơn - Khe Ngang (Hương Trà); đập La Ỷ (Phú Vang) từ nguồn vốn của Bộ NN&PTNT, vốn dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) và ngân sách tỉnh. Đơn vị đang tiến hành đắp các đập tạm ở vùng miền núi Nam Đông, A Lưới, nâng đỉnh tràn bằng bao tải đất ở hồ Hòa Mỹ (Phong Điền) để tăng dung tích của hồ; lắp đặt các trạm bơm chuyền ở vùng cao của hệ thống hói 5 xã, 7 xã (Hương Trà); khơi thông dòng chảy các cửa vào của các trạm bơm, cống lấy nước.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật tưới tiên tiến, áp dụng hình thức tưới luân phiên, tiết kiệm nước, phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình khô hạn để có giải pháp kịp thời.

Trạm thủy nông A Lưới đã kiểm tra các công trình thủy lợi và lưu động máy bơm dầu để tưới cục bộ các vùng lúa khô hạn; tiến hành sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo dẫn nước tưới ngay đầu vụ; duy tu bảo dưỡng thiết bị máy móc, nạo vét khơi thông dòng chảy và sửa chữa các đập dâng, kênh mương đảm bảo cấp nước cho sản xuất.

Theo Sở NN&PTNT, hiện mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 50-80%, riêng hồ Phú Bài 2 chỉ đạt 30% dung tích thiết kế. Dung tích các hồ thủy điện như Tả Trạch đạt 66%, Hương Điền đạt 64%, Bình Điền đạt 36% so với dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân năm 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năng suất lúa hè thu 2024 đạt bình quân 61 tạ/ha

Các địa phương, ngành nông nghiệp đang đốc thúc nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ. Đến ngày 17/8, ngành nông nghiệp đã đánh giá được năng suất lúa vụ hè thu này đạt cao nhất từ trước đến nay, cao hơn vụ hè thu năm trước hơn 1 tạ/ha.

Năng suất lúa hè thu 2024 đạt bình quân 61 tạ ha
Thu hoạch đến đâu, làm đất gieo cấy vụ hè thu đến đó

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương, người dân khẩn trương làm đất, gieo cấy lúa hè thu đảm bảo kịp thời ứng phó mưa lũ có thể đến sớm trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.

Thu hoạch đến đâu, làm đất gieo cấy vụ hè thu đến đó
Ứng phó khô hạn cho vụ hè thu

Chủ động nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó nguy cơ khô hạn, thiếu nước sản xuất đang được ngành nông nghiệp cùng các địa phương triển khai ngay từ đầu vụ hè thu.

Ứng phó khô hạn cho vụ hè thu
Return to top