ClockThứ Ba, 23/05/2023 09:00

Ứng phó khô hạn cho vụ hè thu

TTH - Chủ động nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó nguy cơ khô hạn, thiếu nước sản xuất đang được ngành nông nghiệp cùng các địa phương triển khai ngay từ đầu vụ hè thu.

Tranh thủ làm đất, kịp thời gieo cấy lúa hè thuĐẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa đông xuânĐảm bảo cung cấp nước cho mùa khô

leftcenterrightdel
 Chủ động cấp nước phục vụ gieo cấy hè thu

Chuyển đổi cây trồng

Ông Trần Thắng ở vùng khu 3 (Phú Lộc) chia sẻ, cứ vào vụ hè thu lại đối diện với nguy cơ thiếu nước sản xuất. Toàn vùng khu 3 hầu như chưa có hệ thống thủy lợi đảm bảo sản xuất cả hai vụ lúa nên chủ yếu gieo cấy vụ đông xuân. Một số xứ đồng được người dân sản xuất trong vụ hè thu, nhưng không chủ động nguồn nước tưới, chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Các vụ hè thu đều đạt năng suất, hiệu quả thấp, thậm chí nhiều vụ mất trắng do khô hạn.

Ông Thắng cũng như người dân không còn con đường nào khác phải tự chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trong vụ hè thu, với quyết tâm không bỏ ruộng hoang. Các loại cây trồng đưa vào thay thế lúa không chỉ chịu hạn mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tại vùng khu 2, khu 3 đã có nhiều diện tích lúa chuyển sang trồng dưa, ớt, khoai lang... cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Dự kiến trong vụ hè thu này, các loài cây trồng chịu hạn này tiếp tục được đưa vào trồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, diện tích trồng lúa ở vùng khu 2, khu 3 không lớn, hiệu quả sản xuất lại thấp nên khó có thể đầu tư hệ thống thủy lợi tại các vùng này. Trồng lúa nơi đây vì thế chỉ một vụ đông xuân, còn vụ hè thu gần như bắt buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dự báo vụ hè thu này nắng hạn, nguy cơ thiếu nước, ngành nông nghiệp huyện cùng các địa phương đang rà soát các diện tích không chủ động nước tưới, hoặc hiệu quả thấp chuyển sang trồng dưa, khoai, ớt...

Nhiều diện tích lúa tại hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) cũng không chủ động được nguồn nước tưới trong vụ hè thu. Nhiều diện tích lúa ở các địa phương này nằm ven vùng đầm phá, thường bị nhiễm mặn, chua phèn do khô hạn. Nhiều năm qua, địa phương chủ động chuyển đổi hàng chục ha lúa sang trồng khoai lang, dưa hấu, thanh long... Ông Nguyễn Hữu Truyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, vụ hè thu này, xã tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa có nguy cơ khô hạn sang trồng các loài cây phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh cho hay, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây có khả năng chịu hạn trong vụ hè thu. Nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa thường thiếu nước tưới sang cây trồng cạn, có khả năng sử dụng ít nước hơn. Các loại cây trồng được lựa chọn đưa vào trồng thay thế không chỉ chịu hạn, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

Điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm

Các vùng được xác định có nguy cơ khô hạn, thiếu nước trong vụ hè thu như Phú Đa (Phú Vang), các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền), các xã vùng khu 2, khu 3 (Phú Lộc), xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)... Với các vùng này, ngành nông nghiệp đang điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cấp nước trong vụ hè thu 2023 để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa, hay có kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây, rau màu khác nhằm tránh thiệt hại do nắng hạn.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ khô hạn trong vụ hè thu rất cao, Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó ngay từ đầu vụ. Sau khi thu hoạch vụ đông xuân, công ty trển khai duy tu, bảo dưỡng các công trình, hồ chứa thủy lợi, thiết bị máy móc, trạm bơm, chủ động tích nước tại các hồ chứa khi có mưa lớn. Hệ thống kênh mương được sửa chữa, nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo cung cấp, tiêu thoát nước trong vụ hè thu.

Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, ông Dương Đức Hoài Khánh cho rằng, trong điều kiện khô hạn như hiện nay và có thể tiếp tục kéo dài thì mực nước tại các hồ chứa như Thọ Sơn, Truồi, khe Ngang, Hòa Mỹ... sẽ giảm nhanh. Công ty đang triển khai phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm tại các hồ chứa ngay từ đầu vụ. Trong điều kiện mực nước tại các hồ xuống thấp thì các chủ hồ cân đối nguồn nước và báo cáo cấp trên có biện pháp điều hành, hỗ trợ, vận hành trạm bơm để tưới lúa, hoa màu chống hạn.

Theo ông Dương Đức Hoài Khánh, trong điều kiện năng hạn, nguy cơ thiếu nước vụ hè thu rất cao nên ngoài các công trình thủy lợi thì các hồ thủy điện cũng cần có phương án điều tiết nước hợp lý nhằm hỗ trợ sản xuất, tưới lúa. Ngoài việc chủ động điều tiết nước theo quy trình, quy định, các hồ thủy điện cần chấp hành điều tiết nước khẩn cấp để cứu lúa khi có lệnh của tỉnh và yêu cầu của ngành nông nghiệp, các địa phương.

Nắng hạn còn làm mực nước trên các sông Hương, sông Bồ... có khả năng xuống thấp, ảnh hưởng đến dòng chảy dẫn đến thiếu ô-xy có nguy cơ làm cá nuôi lồng sốc nhiệt, bị chết. Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng Công ty CP Thủy điện Hương Điền khẳng định, đơn vị luôn ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng vận hành, điều tiết nước tưới chống hạn cho sản xuất lúa hè thu và nuôi cá lồng trên sông khi có yêu cầu của ngành nông nghiệp. 

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 112 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó hồ chứa thủy lợi 73 hồ, hồ chứa thủy điện 5 hồ, hồ chứa nước tự nhiên 34 hồ. Hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh với dung tích chứa hơn 2 tỷ m3 nước không chỉ góp phần cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho các địa phương hạ lưu các song, mà còn cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất lúa 2 vụ, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.


Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

Các chủ đầu tư công trình thủy điện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư cùng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống xảy ra.

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống
Chủ động ứng phó với trượt lở đất

Các huyện miền núi với đặc điểm địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất ảnh hưởng đến khu dân cư. Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi trọng nhằm phát triển bền vững.

Chủ động ứng phó với trượt lở đất
WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

Tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này vừa khởi động Kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác gây ra bởi arbovirus (virus lây truyền từ động vật chân đốt, ví dụ như muỗi Aedes).

WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết
Đa dạng hóa sinh kế từ những mô hình phát triển nông nghiệp

Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 2,2-2%, tỉnh xác định phát triển sinh kế, tăng thu nhập cho người dân là giải pháp hữu hiệu nhất.

Đa dạng hóa sinh kế từ những mô hình phát triển nông nghiệp
Return to top