ClockThứ Sáu, 03/08/2018 14:14

Triển khai tổng thể các giải pháp nhằm gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam

Sáng 3/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Truy xuất nguồn gốc là mấu chốt để gỡ 'thẻ vàng' thủy sảnThả hơn 100 ngàn con tôm sú và 2 ngàn cua giống xuống đầm phá

Nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam

Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá kết quả những giải pháp, nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, đồng thời bàn các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để có thể sớm đáp ứng các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác cá trái phép, từ đó tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của Ủy ban châu Âu.

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu cảnh báo Thẻ vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 cùng nhiều chỉ đạo khác.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các giải pháp để trước mắt là triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để Ủy ban châu Âu gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam; hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản, phát triển một cách bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao ý kiến phát biểu, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương về giải pháp để Ủy ban châu Âu tháo gỡ “thẻ vàng”, trong đó nhiều ý kiến đã xác định rõ những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc mà hoạt động nghề cá, công tác quản lý nhà nước về nghề cá đang gặp phải.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động khai thác hải sản trên biển, hỗ trợ người dân ra khơi, bám biển… Việc khai thác hải sản không chỉ gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên trên biển; gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, do đặc điểm của nghề khai thác hải sản của Việt Nam chủ yếu là các tàu cá của cá nhân, hộ gia đình, đội ngũ tàu phần lớn là tàu có công suất nhỏ. Do vậy, hoạt động khai thác hải sản có những điểm yếu như: nhỏ lẻ, không theo tổ chức quy củ, phần lớn ngư dân làm nghề truyền thống, nhận thức về pháp luật và việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế.

"Những đặc điểm này đã gây ra những hệ quả tiêu cực: khai thác tận diệt, khai thác hải sản cấm đánh bắt, xâm phạm vùng biển nước ngoài... Đặc biệt là việc ngư dân đánh bắt trái phép các vùng biển nước ngoài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Việt Nam và quan hệ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam là nguy cơ cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Liên minh châu Âu và các thị trường khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.

"Nếu không có giải pháp, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đầu ra của ngành đánh bắt hải sản, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của ngư dân cũng như phát triển kinh tế biển của đất nước, hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên thế giới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc nhanh chóng có các biện pháp để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết mà Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung triển khai trong thời gian tới.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam; hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản, phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không thực hiện theo quy định.

"Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ, ngành, địa phương mình, không để EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của quốc tế; đồng thời tái cấu trúc ngành thủy sản nói chung. Trong đó không chỉ tập trung vào khai thác, mà phải cơ cấu giữa đánh bắt và nuôi trồng hợp lý, mục tiêu đảm bảo thu nhập, mức sống của người dân nâng cao và ổn định hơn" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tham mưu, sớm trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung, các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản phải có đầy đủ thông tin về việc cảnh báo Thẻ vàng của EC; tuyên truyền cho ngư dân, các tổ chức cá nhân liên quan hiểu rõ về việc cảnh báo thẻ vàng của EC.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng tài liệu hướng dẫn chủ tàu, ngư dân trong việc kê khai thông tin cần thiết về nguồn gốc đánh bắt,… phục vụ công tác giám sát, đảm bảo dễ hiểu, dễ kê khai…; Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thống nhất việc lập và triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho dự án này; Lập kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng cá.

Bộ Quốc phòng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền làm nghề thủy sản khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, trong đó tập trung tại các khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước để kịp thời phát hiện; xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam cũng như ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân ta khi gặp sự cố, bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; Lập danh sách và quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về.

Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ ngư dân, phối hợp với Bộ Quốc phòng cung cấp các bằng chứng về việc các nước trong khu vực bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chưa phân định, chồng lấn giữa hai nước. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh đàm phán phân định ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước.

Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệ và Phát triển nông thôn, các bộ khác tăng cường thông tin về sự nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc thuyết phục EC gỡ bỏ "thẻ vàng" với Việt Nam; đề xuất các biện pháp ngoại giao cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ "thẻ vàng", cũng như các vấn đề tranh chấp khác.

Bộ Công Thương tham mưu các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho hải sản Việt Nam; cũng như cùng các bộ phối hợp, có thông tin với các tổ chức, đối tác thương mại quốc tế hiểu rõ hơn về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; tham mưu hoạch định các giải pháp, biện pháp để ứng phó với những rào cản thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hàng của Việt Nam.

Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục bố trí kinh phí duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019 – 2020 (cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên theo khuyến nghị của EC); đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc khai thác cập cảng Việt Nam, bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác trái phép tại các nước cũng như trong nước. Một mặt, thông tin để người dân biết về các quy định đánh bắt thuỷ sản quốc tế; phát hiện, cảnh báo những trường hợp cố tình vi phạm; nhưng đồng thời cũng giới thiệu những tấm gương tốt, những cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương, của bà con ngư dân.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, trước hết phải xây dựng kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan; thường xuyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để tàu cá và ngư dân thường xuyên vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không ngăn chặn được tình trạng vi phạm tại địa phương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Trong đó: Tập trung xử lý nghiêm đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Xác định, nắm chắc những tàu cá có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này; Tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản cập bến theo quy định; Thực hiện nghiêm công tác ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy khi hoạt động khai thác; Tiếp tục tăng cường công tác quản lý việc sử dụng, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phó Thủ tướng tái khẳng định, một nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng đánh bắt cá trái phép là do nguồn lợi thủy sản vùng biển của Việt Nam bị khai thác quá mức; trình độ, chất lượng lao động ngành thủy sản, ngư dân còn nhiều hạn chế.

"Dó đó bên cạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản, thì nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tạo thêm việc làm cho ngư dân, mở rộng không gian, cơ hội, ngành nghề lao động sản xuất cho người dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó có ngành thủy sản có vai trò quan trọng. Trong đó phải tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để phát triển kinh tế ven biển gắn với đào tạo nghề cho người dân vùng ven biển để chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân, từ đó giảm áp lực cho việc khai thác hải sản.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững
Return to top