ClockThứ Tư, 10/05/2017 06:11

Triển vọng từ trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao

TTH - Liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng của xã Phú Lương (huyện Phú Vang) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, mở ra triển vọng sản xuất lúa hàng hóa.

Giá cao, đầu ra ổn định

Gần đây, Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm, thuộc Tập đoàn Quế Lâm) đưa hai giống lúa chất lượng cao BT7 và DT39 về cho hàng chục hộ nông dân ở Phú Lương sản xuất.

Tham quan cánh đồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang

Ông Nguyễn Thụ, Giám đốc HTXNN Phú Lương 1 cho biết, Phú Lương hàng năm đưa vào sản xuất 1.100 ha lúa/vụ, sản lượng đạt 7.600 tấn, chiếm 20% sản lượng lúa toàn huyện. Sản xuất số lượng lúa lớn nhưng đa phần bà con nông dân trồng các giống lúa truyền thống như Khang dân, chất lượng thấp với giá lúa khô chỉ trên 5 nghìn đồng/kg. Đầu ra không ổn định, phụ thuộc vào tư thương.

Những mùa vụ gần đây, Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm (gọi tắt Công ty) đưa giống lúa mới, chất lượng cao BT7 và DT39 sản xuất thử nghiệm trên cánh đồng xã Phú Lương. Đến nay, diện tích trồng lúa hữu cơ đã phát triển lên 130 ha với 50 hộ dân tại HTX NN Phú Lương 1 tham gia. Nông dân được cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với giá lúa khô khá cao.

Những ngày này, các xứ đồng Phú Lương đang bước vào vụ gặt. Ông Trần Chi (thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương) phấn khởi: “Khi Công ty đưa giống lúa mới về, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt dù khó hơn trước nhưng bà con nông đân được hướng dẫn kỹ thuật, tuyệt đối không dùng các hóa chất mà chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, Công ty bao tiêu sản phẩm với giá lúa khô giao động từ 7,2-7,5 nghìn đồng/kg. Đầu ra ổn định nên bà con rất yên tâm”.

Hộ ông Chi cũng như gần 50 hộ dân là xã viên HTX NN Phú Lương 1 đều trồng bình quân từ 2-3 ha các loại giống lúa chất lượng cao, sản xuất theo quy trình hữu cơ. Theo tính toán của bà con nông dân, sản xuất lúa hữu cơ có tổng thu chênh lệch với giống lúa truyền thống khoảng 5-6 triệu đồng/ha. Bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV ít hơn trong khi giá lúa khô cao hơn nên lãi cao hơn trên một đơn vị diện tích.

Chung tay cùng nhà nông

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho hay, từ mô hình đầu tiên, tập đoàn đã đưa vào sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ quy mô cánh đồng mẫu diện tích 10 ha tại HTX NN Phú Lương 1; đến nay đã phát triển khoảng 300 ha trên địa bàn các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà.

 Vùng nguyên liệu lúa hữu cơ Quế Lâm của Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm tại xã Phú Lương

Trong quá trình liên kết sản xuất các nông sản hữu cơ, tập đoàn yêu cầu người nông dân không sử dụng bất kỳ các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ nào. Các sản phẩm liên kết sản xuất với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh có thể kể đến như gạo lứt đỏ hữu cơ Quế Lâm, gạo hữu cơ Quế Lâm.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Lương thông tin, hiện nay trên địa bàn xã đã có hơn 300 ha lúa hữu cơ, chất lượng cao như BT7, DT39, Thiên Ưu 8, VTNA2 với năng suất bình quân 60-70 tạ/ha, được bà con nông dân liên kết sản xuất với các đơn vị như Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm, Công ty CP VTNN tỉnh, Công ty CP Giống Cây trồng- Vật nuôi tỉnh và Công ty CP Giống cây trồng Trung ương…

Gạo hữu cơ Quế Lâm được sản xuất theo quy trình sạch

Việc liên kết cùng doanh nghiệp sản xuất các giống lúa mới trên cánh đồng ở địa phương đã mở ra triển vọng sản xuất lúa mang tính hàng hóa, giúp người nông dân phát triển bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là giải được bài toán bấy lâu nay về việc sau khi cân đối lương thực, lượng lúa dư thừa trong dân khá lớn. Được các công ty bao tiêu sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, không lo thị trường đầu ra, tư thương ép giá.

Ông Đoàn Thao, Trưởng trạm Khuyến nông- lâm- ngư huyện Phú Vang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 1.000 ha/2 vụ lúa hữu cơ, chất lượng cao được hàng trăm hộ dân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất. Được các công ty bao tiêu sản phẩm với giá lúa khô bình quân chênh lệch từ 1,5-2 nghìn đồng/kg so với giống lúa truyền thống.

“Các địa phương có tiềm năng lợi thế về sản xuất lúa chính quyền chú trọng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Việc đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, qua các mô hình trình diễn ban đầu đã hình thành các tổ nhóm có sự liên kết giữa các nông dân trong nhóm hộ, giữa nhóm hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa với hàng trăm hộ dân tham gia. Từ đây, bà con nông dân cũng được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, nâng cao năng lực sản xuất”, ông Thao thông tin.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp

Chiều 3/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp
Return to top