Thế giới

Đông Nam Á: Đầu tư nước ngoài phục hồi bất chấp bất ổn kinh tế toàn cầu

ClockChủ Nhật, 13/10/2024 15:48
TTH.VN - Một báo cáo mới của Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy các nước ASEAN đang sẵn sàng duy trì đà tăng trưởng, với lợi thế từ môi trường đầu tư thuận lợi, hội nhập khu vực liên tục và tăng trưởng GDP ổn định.

Đông Nam Á dự báo sẽ vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và FDIASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoàiASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuấtDòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển giảm 9% trong năm 2023

 ASEAN chứng kiến sự gia tăng đáng kể dòng vốn FDI trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa: Tienphong.vn

Với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI”, Báo cáo đầu tư ASEAN 2024 của UNCTAD cho biết khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể dòng vốn FDI trong thập kỷ qua. Kể từ năm 2016, dòng vốn FDI đổ vào ASEAN hàng năm trung bình đạt 170 tỷ USD, gần gấp đôi con số 92 tỷ USD được ghi nhận trong giai đoạn 2006-2015.

Trong giai đoạn 2021-2023, đầu tư nước ngoài trung bình đạt 220 tỷ USD mỗi năm, củng cố vị thế của ASEAN là một trong những nơi tiếp nhận FDI hàng đầu trong số các nền kinh tế đang phát triển trong 3 năm liên tiếp. Đến năm 2023, tỷ trọng FDI toàn cầu của ASEAN đạt đến 17%, tăng vọt so với mức trung bình 6% trong giai đoạn 2006-2015. 

Chính sách thúc đẩy hiệu quả

Theo báo cáo, ASEAN đạt được những thành tích đáng kể trên là nhờ hội nhập khu vực sâu rộng hơn, môi trường đầu tư được cải thiện, mang đến nhiều cơ hội và tâm lý tích cực hơn của các nhà đầu tư và hiệp hội doanh nghiệp.

Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 - bao gồm việc thực hiện các thỏa thuận và khuôn khổ khu vực nhằm tăng cường hội nhập kinh tế và kích thích tăng trưởng trong các lĩnh vực chiến lược, cũng đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện môi trường chính sách đầu tư trên toàn khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp chính sách đầu tư quốc gia và quan hệ đối tác đa phương đã được thông qua để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho FDI.

Hơn nữa, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang đón nhận sự lãnh đạo chính trị mới và trẻ trung, đặc biệt là ở Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Các chính phủ mới này chủ yếu tập trung vào việc thu hút FDI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời ưu tiên các biện pháp tăng cường sự thuận lợi trong kinh doanh và tạo điều kiện cho FDI. Ngoài ra, chi phí sản xuất cạnh tranh và lực lượng lao động dồi dào cũng là những điểm cộng hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực.

Các xu hướng đầu tư mới

Báo cáo nêu bật các xu hướng mới nổi, chẳng hạn như dòng tiền đổ vào năng lượng tái tạo, sản xuất ngày càng tăng và sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, việc tăng cường mạng lưới sản xuất và hoạt động chuỗi cung ứng giữa các công ty cũng giúp củng cố hệ sinh thái công nghiệp, từ đó thúc đẩy FDI.

Trong khi đó, ông Amol Gupte – Tổng Giám đốc điều hành Citibank khu vực Nam Á và ASEAN cho rằng với triển vọng kinh tế tích cực của Đông Nam Á và giữa bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN - nơi có ngành sản xuất mạnh và đa dạng.

Ví dụ như Thái Lan - nơi sự chuyển dịch từ xe động cơ đốt trong sang xe điện (EV) đang mang lại những cơ hội đáng kể. Điện tử và chất bán dẫn cũng đang nổi lên như những ngành hấp dẫn đối với FDI. Trong khi đó Indonesia, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đang dẫn đầu thế giới về sản xuất niken, và Việt Nam tự hào có ngành sản xuất rộng khắp.

“Những quốc gia này là lựa chọn đặc biệt cho FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt địa chính trị, tôi không thấy khu vực nào khác được hưởng lợi nhiều như Đông Nam Á”, ông Gupte nhận xét.

Nhìn về tương lai, báo cáo bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đầu tư của ASEAN sau năm 2025.

Cụ thể, báo cáo cho rằng với môi trường đầu tư thuận lợi, hội nhập khu vực liên tục và tăng trưởng GDP ổn định, khu vực này sẽ tiếp tục thu hút đầu tư đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoảng cách chính sách, chẳng hạn như nhu cầu tăng cường hơn nữa các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của ASEAN.

Để thúc đẩy FDI hơn nữa, ASEAN có thể khai thác các khoản đầu tư nội khối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ mở rộng hoạt động trên khắp khu vực.

ASEAN cũng có tiềm năng thu hút nhiều đầu tư hơn vào các ngành công nghiệp và lĩnh vực mới nổi gắn liền với phát triển bền vững, ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng, nền kinh tế số, chuỗi cung ứng xe điện, chuỗi giá trị năng lượng tái tạo…

Để duy trì đà tăng trưởng FDI, UNCTAD khuyến nghị các nước ASEAN cần hợp tác khu vực sâu hơn, đầu tư vào phát triển kỹ năng và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư để củng cố hệ sinh thái công nghiệp. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng trong hiện tại và cả tương lai, ASEAN nên tiếp tục tận dụng mối quan hệ cộng sinh giữa FDI, phát triển công nghiệp và hội nhập khu vực.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Bangkok Post & Bloomberg Quint)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Return to top