ClockChủ Nhật, 18/12/2022 16:38

Triều cường tràn đê ở nhiều địa phương

TTH.VN - Ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường gây gió mạnh, sóng lớn và mưa vùng đồng bằng làm xuất hiện triều cường ở các địa phương. Ngày 18/12, các tuyến đê Tây sông Ô Lâu, đê tây phá Tam Giang qua các địa phương Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền), Hương Phong (TP. Huế) nước tràn qua đê, xâm nhập vào ruộng đồng, ao hồ nuôi trồng thủy sản.

Không chủ quan với biển động, triều cườngTriều cường đánh sập, gây hư hỏng 20 hàng quán ven biểnGia cố đoạn bờ biển sát múi kè An Dương 1

Tuyến đê Tây sông Ô Lâu qua xã Quảng Thái (Quảng Điền) xuống cấp nhiều điểm

Ông Phạm Công Trạch, Giám đốc HTX Tam Giang (Quảng Thái, Quảng Điền) cho biết, hiện nay, tuyến đê tây sông Ô Lâu với cao trình thấp nước đã lấp xấp vượt qua mặt đê. Ngày 18/12, mưa cùng sóng lớn gây triều cường, đánh mạnh vào mái đê gây nước tràn và nguy cơ sạt lở trên tuyến- nhất là những đoạn đê được đắp bằng đất hoặc điểm tiếp nối giữa đê bằng đất và bê tông.

Tuyến đê tây sông Ô Lâu kéo dài từ huyện Phong Điền đến Quảng Điền. Trong đó, qua địa bàn xã Quảng Thái có chiều dài khoảng 5km (có 3km đã được đầu tư xây dựng bằng bê tông). Qua thời gian, mặt đê một số điểm đã xuống cấp, nứt vỡ, chân đê gần các cống bị xói lở không còn thực hiện tốt chức năng ngăn mạn, giữ ngọt bảo vệ cho 226 ha ruộng lúa, nuôi trồng thủy sản của HTX. Đặc biệt, trên tuyến có gần 2km đê được đắp bằng đất, hàng năm đến mùa triều cường là xói lỡ, gây vỡ đê đoạn từ thôn Trung Làng đến HTX Thống Nhất.

“Hiện nay, hơn 220 ha lúa của HTX chưa tiến hành gieo sạ (dự kiến đầu tháng 1 năm 2023 mới tiến hành) nên về cơ bản hiện tại triều cường chỉ ảnh hưởng đến một ít diện tích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, triều cường trong giai đoạn này sẽ gây tốn kinh phí tiêu úng, đắp lại đê bao, kênh mương cho giai đoạn xuống giống vụ đông xuân sắp tới”, ông Phạm Công Trạch cho biết thêm.

Ngày 18/12, lãnh đạo HTX NN Thuận Hòa (Hương Phong, TP. Huế) cho biết, đã báo cáo chính quyền địa phương về việc tuyến đê Tây phá Tam Giang với chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ đồng ruộng do triều cường nước đã tràn mặt đê và tiếp tục theo dõi hiện trạng đê để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Triều cường tràn đê Tây Ô Lâu, gây nguy cơ xói lở ở xã Quảng Thái (Quảng Điền)

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX NN Thuận Hòa cho biết, đê Tây phá Tam Giang qua địa bàn xã với cao trình thấp, được nâng cấp qua nhiều giai đoạn khác nhau nên đến nay đã xuống cấp nhiều điểm với nứt vỡ mặt đê và xói lở gần các cống. Mỗi mùa vụ, nước mặn từ đầm phá xâm nhập vào đồng ruộng gây ảnh hưởng khoanbr 300 ha lúa ở Hương Phong và vùng lận cận. Ghi nhận của PV trong sáng 18/12, đoạn đê gần khu vực Rú Chá nước đã tràn qua khá sâu, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở NN&PTNT), hiện nay, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1,0m. Nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Trong điều kiện ảnh hưởng của thời tiết, vùng hạ du do thủy triều dâng cao, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.

Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái (Quảng Điền) cho biết, liên quan đến tuyến đê Tây phá Tam Giang xuống cấp hiện nay, Sở NN&PTNT đang triển khai Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Theo đó, Ban QLDA hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đang triển khai tại địa bàn xã Quảng Thái 2 tiểu hợp phần của dự án gồm: Nâng cấp đê kết hợp giao thông Tây phá Tam Giang, quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái xã Quảng Thái (thuộc Tiểu hợp phần 3.2) và Nâng cấp đê kết hợp giao thông Tây phá Tam Giang, quản lý bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái xã Quảng Thái (thuộc Tiểu hợp phần 2.2).

Đê Tây phá Tam Giang qua khu vực Rú Chá (Hương Phong, TP. Huế) bị tràn do triều cường sáng 18/12.

Các công tình với mục đích góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, kết nối với hệ thống đường giao thông trong khu vực nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và ngăn lũ cho vùng sản xuất lúa nước, rau màu 150 ha và 38 ha nuôi trồng thủy sản…

Theo đó, các tiểu hợp phần dự án triển khai sẽ tiến hành nâng cấp khoảng 1,7km tuyến đê Tây phá Tam Giang với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình trên tuyến sẽ xây mới, nâng cấp, sửa chữa các cống thoát nước, cống tưới tiêu, giàn van điều tiết. Nâng cấp các tuyến đường thi công nền đường rộng 4m bằng đất cấp phối đầm chặt…

“Hiện nay chủ đầu tư đã có thông báo khởi công công trình gửi cho xã và địa phương cũng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhưng do điều kiện thời tiết (ngập nước) nên chưa triển khai được. Dư kiến sau đợt không khí lạnh nay sẽ khởi công công trình”, ông Phạm Công Phước cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Dự án Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh đang trình phê duyệt hạng mục Dự án Nâng cấp tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn phía ngoài khu rừng ngập mặn Rú Chá đến Cồn Tè qua xã Hương Phong với chiều dài khoảng 1 km, dự kiến triển khai vào đầu năm 2023.

UBND tỉnh cũng đã thống nhất danh mục 5 gói đầu tư cơ sở hạ tầng - hợp phần 3 thuộc Dự án Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh, trong đó bao gồm một số hợp phần như nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông Đông phá Tam Giang, quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái xã Phú Diên (Phú Vang); nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông ven đầm Cầu Hai, quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng xã Lộc Bình (Phú Lộc).

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy

Hương Thủy là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và dịch vụ thương mại. Để thúc đẩy ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn phát triển, TX. Hương Thủy tiếp tục quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp, tranh thủ các chính sách khuyến công của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, trang, thiết bị máy móc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy
Return to top