Meo nấm rơm được rắc đều, sinh trưởng và phát triển tốt trên bông
Đôi tay thoăn thoắt, chị Đoàn Thị Nhạn và anh Trần Quốc Toản bấm những búp nấm rơm khỏi gốc. Đôi vợ chồng 9X rạng rỡ niềm vui vì đúng dịp rằm, nấm rơm vừa được mùa, vừa được giá. Chị Nhạn chia sẻ: “Dù là nấm rơm nhưng phần giá thể không phải từ rơm mà là bông đã rút sợi. Vì thế tôi và chồng phải học để chăm sóc cho cây nấm mọc và phát triển thuận lợi”.
Trồng nấm rơm trên bông phải trải qua nhiều công đoạn như xay, khử trùng bông bằng nước vôi, đánh ủ, thanh trùng, cấy meo, ủ tơ nấm, thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu xử lý giá thể, đây là bước ảnh hưởng đến sự thành bại của cả một mẻ nấm.
Năm 2019, chị Nhạn và anh Toản bắt đầu tìm hiểu về mô hình trồng nấm rơm trên bông. Tự tin với những kiến thức cóp nhặt được, anh Toản thử nghiệm mẻ đầu. Nhưng thay vì những tai nấm rơm, phần giá thể của anh lại ngập nấm dại.
Không nản lòng, lần thử nghiệm thứ hai anh chuẩn bị kỹ lưỡng. Nào ngờ sau cả tháng trời ròng rã, anh chỉ thu về hai búp nấm. Anh kể: “Lúc ấy thật sự tôi suy sụp, vì bao công sức, hy vọng đều đánh cược cả vào nấm”.
Thất bại liên tiếp nhưng với đam mê thôi thúc, đôi vợ chồng 9X lại động viên nhau tiếp tục nỗ lực với mẻ nấm thứ ba. Xé tơi những lớp bông, anh Toản phân tích: “Bông phải được xay nhỏ, sau đó trộn với nước vôi để khử trùng, tạo độ PH. Hai ngày sau, số bông này sẽ được vun lại, bổ sung cám gạo, cám bắp, bánh dầu để tạo dưỡng chất (đây cũng là chất dinh dưỡng hữu cơ để nấm hấp thu chứ không dùng bất kì phân bón hóa học hay loại thuốc nào). Vì vậy, tôi phải làm thật cẩn thận, chỉ chút sơ sẩy, nấm dại, nấm mực sẽ phát triển, làm ảnh hưởng, thậm chí hủy hoại hoàn toàn cả mẻ nấm”.
Nỗ lực, quyết chí, mẻ nấm thứ ba của anh thành công. Cũng từ đó, năng suất nấm của anh mỗi lứa tăng dần, anh nói: “Lứa thứ ba nấm mọc 5%, và mỗi lứa tôi đều đúc rút kinh nghiệm để tăng sản lượng. Đến nay, năng suất đã đạt 15%, tức mỗi tấn giá thể cho 1,5 tạ nấm”.
Để duy trì nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, anh Toản đã đầu tư trại nấm khép kín và hệ thống tưới phun sương trị giá trên 150 triệu đồng. Trại được chia thành các lô kín, ngay trung tâm là bồn xi măng để trộn vôi, xử lý bông rút sợi. Anh còn bỏ vốn để chế khung sắt, tạo thành những luống nấm dài từ 5 – 6m, rộng từ 0,8 – 1m. Tổng diện tích trồng đạt xấp xỉ 300m2.
Với cách trồng nấm xoay vòng, mỗi tháng anh Toản thu hoạch hai lứa nấm vào rằm và mùng một, năng suất đạt 80kg/lứa. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng đôi vợ chồng mê nấm thu lãi hơn 8 triệu đồng.
Đến nay, anh Toản và chị Nhạn đã trồng được 10 lứa nấm. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, đôi vợ chồng 9X sẽ trồng thử nghiệm giống nấm rơm VTQ. Chị Nhạn cho hay: “Thời gian nở búp lâu hơn sẽ giúp quá trình vận chuyển và bảo quản dễ dàng, nâng cao giá trị của cây nấm. Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm của VTQ lại khắc nghiệt và rất khó duy trì, nhất là đối với thời tiết tại Huế”.
Theo đuổi nấm sạch và chất lượng, anh Toản và chị Nhạn quyết tâm chinh phục được loại nấm VTQ khó tính. Dù trải qua muôn vàn gian khó, nhưng với lòng nhiệt thành, đôi vợ chồng 9X cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm với mong muốn thúc đẩy hiểu biết của mọi người về nấm hữu cơ trên bông, cũng như việc trồng và tiêu dùng nấm hữu cơ trên thị trường.
Bài, ảnh: Mai Huế