ClockThứ Ba, 12/03/2019 13:45

Vào vụ nuôi mới

TTH - Thời tiết nắng ấm đầu vụ là yếu tố có lợi để người dân Quảng Điền cải tạo ao hồ, thả nuôi thủy sản đúng lịch thời vụ. Năm 2019, toàn huyện thả nuôi thủy sản nước lợ với diện tích 705,5 ha.

Khan hiếm nguồn tôm giống tại chỗNuôi tôm vào vụ mới

Người dân Quảng Thành xử lý nguồn nước trước khi xuống giống

Tăng cường phòng dịch

Ông Trần Văn Chương, một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Công đúc rút, tốt nhất là nuôi xen ghép các đối tượng tôm-cua-cá nhằm hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi nếu gặp rủi ro, tôm dịch bệnh thì có cua, cá bù lại, hoặc cua, cá có “vấn đề” thì tôm bù lại, tránh thiệt hại lớn.

Theo ông Chương, lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh thường xảy ra trên tôm nuôi, nhất là đối với những ao hồ nuôi chuyên tôm. Dù đã nhiều năm tích lũy kinh nghiệm song đến nay việc ứng phó dịch bệnh chủ yếu “phòng là chính”, khi đã xảy ra dịch bệnh thì chưa có biện pháp xử lý, bảo vệ an toàn nên thiệt hại lớn. Dự báo năm nay diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng gay gắt, kéo dài là yếu tố bất lợi dễ xảy ra dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Bà Nguyễn Thị Minh Hoa, chuyên viên phụ trách nuôi trồng thủy sản (NTTS) Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền khẳng định, quản lý tốt môi trường, tuân thủ các quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn, không để xảy ra dịch bệnh thì vụ nuôi chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên việc kiểm soát dịch bệnh là không đơn giản, năm 2018, toàn huyện vẫn có 26,5 ha nuôi tôm sú của 49 hộ bị bệnh đốm trắng, tăng 5,6 ha so với năm trước, chủ yếu ở các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành.

“Ngoài yếu tố chất lượng con giống không đảm bảo, những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh thủy sản là do thời tiết biến động bất thường, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm chưa được xử lý một cách triệt để. Mầm bệnh vẫn còn tiềm ẩn trong môi trường vùng nuôi, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân còn thấp, mật độ thả giống dày đặc… là nguy cơ dẫn đến dịch bệnh”, bà Hoa chia sẻ.

Tình trạng ngọt hóa kéo dài ở các vùng như Sịa, Quảng Lợi, Quảng Ngạn và một số diện tích ở xã Quảng Phước vẫn thường diễn ra ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, đề kháng của các đối tượng nuôi. Phần lớn các hộ nuôi chưa có ao lắng để xử lý nguồn nước an toàn trước khi đưa vào ao nuôi. Các loại chất thải trong ao nuôi tôm thường được trực tiếp thải ra môi trường bên ngoài làm nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh đốm trắng vẫn chưa hạn chế.

Nuôi trong vùng quy hoạch

Năm 2019, toàn huyện Quảng Điền thả nuôi thủy sản nước lợ với diện tích 705,5 ha; phấn đấu sản lượng đạt 365 tấn tôm sú, 367 tấn tôm rảo, cua và cá các loại; diện tích nuôi cá nước ngọt ao hồ gần 160 ha, cá-lúa 23,9 ha, 1.697 lồng, sản lượng đạt gần 1.100 tấn sản phẩm; đến nay có khoảng 600 ha nuôi nước lợ được tu sửa; 20 ha ao hồ nuôi cá và trên 110 lồng đã thả giống.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Lê Duận thông tin, để phòng bệnh hiệu quả, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân tuân thủ khung lịch thời vụ. Giống trước khi thả nuôi được kiểm tra, kiểm dịch bằng máy PCR tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Quá trình nuôi hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh mà phải tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng ngừa dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường. Thức ăn đảm bảo chất lượng, được mua đúng các đại lý, công ty có uy tín, thương hiệu, tránh mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, từ đầu năm, các địa phương cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất giống có chất lượng, uy tín để các hộ yên tâm lựa chọn mua về nuôi. Các hộ, các cơ sở ương giống tích cực thu gom, ương dưỡng các loại giống cá dìa, tôm, cua, cá nâu, chẽm… phục vụ nuôi. Riêng đối với các loại cá giống phục vụ nuôi xen ghép, người dân tranh thủ thả nuôi khi nguồn giống tự nhiên dồi dào; nhất là cá kình. Các giống mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, ngọt hóa sẽ được ngành nông nghiệp nghiên cứu đưa vào nuôi thử nghiệm trong vụ mới này.

Các loại cá nuôi nước lợ, cua chính vụ bắt đầu thả giống từ ngày 10/3, thu hoạch 31/8. Đối với nuôi tôm sú, tại các xã Quảng Công, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước thả giống từ ngày 10-15/3 trở đi, kể cả giống P15 và thu hoạch trước ngày 31/8. Đối với các địa phương có độ mặn muộn hơn như thị trấn Sịa, Quảng Ngạn, Quảng Lợi thì thả giống từ ngày 5-10/4 trở đi, thu hoạch trước ngày 31/8. Mật độ thả nuôi chuyên tôm, hoặc nuôi xen ghép cần đảm bảo yêu cầu, không nên thả quá dày có nguy cơ dịch bệnh vì nắng nóng, thiếu ô xi.

Đối với nuôi tôm chân trắng trên cát tại hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn, các địa phương khuyến khích người dân nuôi 2 vụ/năm trong vùng quy hoạch. Thời điểm thả giống nuôi thích hợp trong điều kiện thời tiết mát mẻ, tránh nuôi vào thời điểm nắng nóng. Theo đó, vụ 1 cần thả nuôi từ 15/2, thu hoạch 15/6; vụ hai thả giống từ 1/8 và thu hoạch 31/12…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Quảng Điền: 85,4% trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 11/4, Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Quảng Điền 
85,4 trường đạt chuẩn quốc gia
Return to top