Thận trọng chọn thời điểm
Cách đây 2 năm, ông Võ Như Thanh ở đường Đặng Huy Trứ (TP. Huế) quyết định về quê (xã Phong Hải-Phong Điền) sinh sống và nuôi tôm trên cát. Gom hết vốn liếng dành dụm hơn 500 triệu đồng, ông Thanh mua một hồ rộng 3.000m2, giống tôm chân trắng về thả nuôi.
Người dân Điền Hương cải tạo ao, chuẩn bị nuôi tôm
Vụ nuôi đầu tiên, ông thu hoạch chưa đầy một tấn tôm, lỗ nửa tỷ đồng. “Vì chưa có kinh nghiệm, lại nôn nóng nên tui thả nuôi vụ tôm đầu tiên ngay giữa mùa hè oi bức. Nắng mùa hè hừng hực khiến nguồn nước trong ao luôn dao động ở nhiệt độ cao. Đây là nguyên nhân chính khiến tôm chậm phát triển, sức khỏe kém dễ xảy ra dịch bệnh đốm trắng và một số bệnh thông thường”, ông Thanh chia sẻ.
Từ thất bại, ông Thanh đúc rút: “Khoảng đầu tháng 8 là thời điểm thích hợp cho nuôi tôm trên cát. Thời tiết nắng nóng lúc này bắt đầu hạ nhiệt, người dân có thể cải tạo ao hồ để thả nuôi và thu hoạch trước mùa bão, lũ. Từ vụ thứ hai trở đi, tui thường chọn thời tiết ấm mát để nuôi tôm và sản lượng đạt 7-9 tấn/3.000m2, lãi từ 400-500 triệu đồng/vụ”.
Ông Phạm Quỳnh ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải thông tin, bắt đầu từ cuối tháng 7, người dân bắt đầu cải tạo ao hồ, sửa chữa máy móc, hệ thống điện, nước, liên hệ mua giống, thức ăn chất cho vụ nuôi mới.
Ông Phạm Tăng ở xã Điền Hương tự tin: “Người dân đã nắm bắt rất rõ về khung lịch thời vụ, biết chọn thời điểm thích hợp để thả nuôi tôm chân trắng. Hai thời điểm nuôi tôm được cho là phù hợp, thường mang lại năng suất, hiệu quả cao là vụ từ tháng 8 đến tháng 10 và từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Thời điểm này thời tiết dịu mát, không còn nắng nóng hay bão, lũ, tôm không xảy ra dịch bệnh, hoặc chỉ một vài loại bệnh thông thường nằm trong khả năng phòng trị của người dân”.
Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, qua nhiều vụ nuôi, chúng tôi nhận thấy chỉ các vụ nuôi trong thời điểm mát mẻ mới đạt hiệu quả, năng suất bình quân từ 25 đến 30 tấn/ha. Còn những vụ nuôi vào mùa hè, nắng nóng gay gắt đều thất bại, tôm thường dịch bệnh và chết hàng loạt. Hai năm gần đây, ngoài kinh nghiệm của người dân, chính quyền địa phương vận động, khuyến cáo bà con chỉ nên nuôi tôm trên cát vào những thời điểm khí hậu mát mẻ. Nhiều hộ nuôi ở Điền Hương đều có lãi từ vài trăm đến cả tỷ đồng/vụ.
Để vụ mới thắng lợi
Điều mà người dân “thấp thỏm”, lo ngại không chỉ từ các vụ trước mà cả vụ mới này là chất lượng nguồn giống. Thông thường bà con chọn những cơ sở, công ty sản xuất giống chất lượng ở trong và ngoài tỉnh để mua. Tuy nhiên, lượng giống trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20 triệu con tôm chân trắng trong tổng nhu cầu thả nuôi vụ mới này ước 1,5 tỷ con, còn lại đều phải nhập từ ngoại tỉnh. Quá trình vận chuyển đường xa cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn giống, thậm chí thường bị dịch bệnh, chết ngay sau khi thả nuôi. Ngay cả khi chọn giống, người dân cũng chỉ nhìn bằng mắt thường nên rất khó nhận biết giống chất lượng, có tiềm ẩn các loại dịch bệnh hay không.
Người dân Phong Hải sẵn sàng thả giống
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo, ngoài chọn các cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng thì người dân cũng cần kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, kiểm định chất lượng giống của cơ quan chức năng trước khi mua. Trước khi thả giống, người dân phải báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để được kiểm tra, kiểm dịch nguồn giống. Nếu phát hiện có mầm bệnh, hay các dấu hiệu bất thường sẽ được xử lý, ương dưỡng nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng giống mới được thả nuôi.
Yêu cầu của thị trường tiêu thụ tôm đang ngày càng khắt khe về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đòi hỏi người dân phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. Trước khi bước vào vụ nuôi mới này, cán bộ khuyến nông, thú y về tận các vùng nuôi, gặp trực tiếp người dân để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp nuôi tôm an toàn.
Quá trình nuôi cần hạn chế tối đa, thậm chí hoàn toàn không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc kháng sinh, chất cấm, độc hại mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Sử dụng chế phẩm EM còn giảm chi phí đầu tư đến 20% so với quy trình nuôi thông thường. Thực tế cho thấy, trong các vụ nuôi vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm chân trắng ở xã Điền Hòa và xã Phong Hải... sử dụng chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả cao, nuôi có lãi.
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho rằng, phát hiện và xử lý dịch bệnh cũng là một yếu tố quan trọng, quyết định thành công, hay thất bại trong quá trình nuôi tôm mà người dân cần quan tâm. Hơn ai hết, bà con phải tự tìm tòi, nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm phòng trừ, xử lý dịch bệnh. Khi tôm nuôi có dấu hiệu dịch bệnh, người dân cần báo với chính quyền địa phương, ngành chăn nuôi-thú y để có biện pháp xử kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền thông tin, theo quy hoạch nuôi tôm chân trắng trên cát, đến năm 2020, toàn huyện khai thác, đưa vào nuôi khoảng 800-900 ha. Vụ nuôi mới này, dự kiến toàn huyện nuôi khoảng 400 ha, trong đó diện tích của các hộ dân ở Ngũ Điền và Phong Hải khoảng 250 ha, còn lại các doanh nghiệp. Hiện nay, huyện Phong Điền đang rà soát, quy hoạch lại hệ thống vùng nuôi hợp lý; đồng thời đề xuất kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, kênh mương, thủy lợi, khu chế biến thức ăn... đảm bảo yêu cầu nuôi tôm theo hướng công nghiệp, hiệu quả. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều