ClockThứ Hai, 01/01/2024 07:09

Vùng đất phía tây nhiều đổi thay

TTH - Từng là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa phát triển..., A Lưới - vùng đất phía tây Thừa Thiên đã thực sự “khoác lên mình chiếc áo mới”.

Tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 Đánh giá thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 tại A LướiGỡ khó trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719

A Lưới - vùng đất phía tây đang thay đổi từng ngày 

Từng bước chuyển mình

Trong căn nhà vẫn còn thơm mùi mới, cụ Hồ Văn Hữu (dân tộc Pa Cô, 91 tuổi, trú thôn A Tia 1, xã Hồng Kim) vừa rót nước mời chúng tôi, vừa kể: “Trước đây, hai vợ chồng tôi làm nông, nay già yếu chỉ quanh quẩn trong nhà, thi thoảng ra vườn trồng rau. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cơm còn chẳng có ăn, huống chi là sửa nhà. Cậu con trai cả thì ai gọi gì làm nấy, lúc làm thợ nề, lúc trồng keo thuê. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của hai vợ chồng tôi đều phụ thuộc vào người con trai này”.

“May mắn là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Cầm trên tay 60 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội thêm 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiến cố. Gia đình tôi cũng tình nguyện xin thoát nghèo. Từ nay tôi cũng không còn sợ nhà sập nữa. Thế là ước nguyện an hưởng tuổi già, ngày ngày được quây quần bên con cháu đã thành hiện thực. Tôi hạnh phúc lắm chứ!”, cụ Hữu xúc động.

Tôi chào cụ Hữu rồi ra về. Trên đường đi, ông Hồ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kim giới thiệu: Đây là đường Khe Bùn nối liền 2 xã Hồng Kim và Hồng Thượng. Trước đây, con đường này chật hẹp. Đường đông dân cư qua lại, thường xuyên xảy ra sự cố. Nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, con đường này đã được mở rộng và nâng cấp, giúp bà con dễ dàng lưu thông”. “Công trình được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ một phần là nhờ sự đồng thuận  của bà con trong xã. Khi được phổ biến về dự án mở rộng và nâng cấp đường, đa phần, những hộ dân sống hai bên đường đều hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để dự án được triển khai thuận lợi”, ông Minh kể.

“Trước đây, gia đình tui sở hữu hơn 1.000m2 đất trồng keo. Nghe chủ trương mở đường của Nhà nước, tui và chồng đồng tình hưởng ứng. Gia đình tui hiến hơn 350m2 đất. Tui còn kêu gọi bà con hàng xóm chung tay, góp sức để sớm có đường mới mà đi lại, đường nhà mình đẹp thì mình hưởng lợi chứ ai!”, bà Trương Thị Nhung, người dân sống tại thôn A Tia 2, xã Hồng Kim phấn khởi khoe.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch huyện A Lưới cho biết: Với tổng số 28 công trình cơ sở hạ tầng năm 2022 và 32 công trình cơ sở hạ tầng được triển khai thực hiện năm 2023 thuộc Chương trình MTQG 1719, song song với việc thực hiện đồng thời các Chương trình MTQG khác trên địa bàn, hạ tầng được cải thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, canh tác của bà con.

Quyết tâm thoát nghèo

Men theo đường Hồ Chí Minh đến xã Quảng Nhâm, tôi tìm đến nhà anh Hồ Viết Ái Duy tại thôn Âr Kêu Nhâm, chàng trai sinh năm 1997 người Pa Cô, tiên phong với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

Ái Duy dắt tôi vào thăm trang trại heo hơn 250m2 cách nhà chừng vài trăm mét, với đầy đủ trang, thiết bị từ điện, nước, quạt, đến hệ thống phun sương… “Với số vốn ít ỏi ban đầu, mình mạnh dạn vay thêm ngân hàng, người thân để xây dựng chuồng trại và phát triển mô hình. Đối với những người trẻ như mình, đây là một sự đầu tư khá mạo hiểm, nhưng khi được Tập đoàn Quế Lâm tạo điều kiện cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, giống heo nái, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, mình quyết tâm phát triển mô hình này để cải thiện nguồn thu nhập cho bản thân cũng như gia đình”, Duy chia sẻ.

Được phát triển và chăn nuôi theo quy trình khép kín, không sử dụng cám ngoại, không sử dụng thuốc tăng trưởng, hạn chế tiêm chích. Sau hơn 2 năm, từ 5 heo nái ban đầu đã sinh sản hơn 60 heo con. Đến thời điểm hiện tại đã xuất hơn 5 tấn heo thịt, cho nguồn thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học của Hồ Viết Ái Duy được UBND huyện đánh giá cao.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG về xóa đói và giảm nghèo bền vững, hơn 70 hộ dân thuộc xã Quảng Nhâm, Hồng Thượng cũng đã được hỗ trợ 1 cặp bò vàng theo Dự án đa dạng hóa sinh kế mô hình chăn nuôi bò sinh sản định hướng theo chuỗi giá trị. Anh Lê Thanh Ban, thôn 4, xã Quảng Nhâm hồ hởi: “Hiện tại, cặp bò vẫn đang khỏe mạnh và phát triển tốt. Hy vọng từ cặp bò này sẽ cho ra nhiều lứa sau để gia đình mình có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Không chỉ thoát nghèo nhờ làm nông, đồng bào DTTS nay còn học hỏi, cải thiện đời sống bằng cách phát triển du lịch. A Lưới có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Ngoài việc trải nghiệm ẩm thực, văn hóa thông qua những phiên chợ vùng cao được tổ chức hàng tháng, đồng bào DTTS còn xây dựng nhiều homestay, farmstay kết hợp các xu hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc; từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào vùng cao.

Theo ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh nói chung, huyện A Lưới nói riêng có nhiều khởi sắc. Việc đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đã được triển khai và đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết cơ bản các nhu cầu của đồng bào về hạ tầng và sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện tăng từ 27 triệu đồng/người/năm năm 2021 lên 35 triệu đồng/người/năm năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo từ 49,98% xuống còn 24,27%; 100% đại diện hộ gia đình được cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới, 100% trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang…

Bài, ảnh: Bạch Châu -Thắng Phan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top