Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Ảnh: Võ Nhân
Lâu nay người ta vẫn thường đề cập đến các chuỗi giá trị, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu một cách cụ thể về điều này. Một lý giải từ phía anh?
Theo tôi hiểu, nói đến chuỗi giá trị thường nói đến hành trình của một sản phẩm từ A đến Z. Trong nông lâm nghiệp, thường được hiểu là bắt đầu quá trình từ nguyên liệu đầu vào cho đến khi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng; cứ qua một công đoạn thì giá trị sản phẩm lại gia tăng. Ví dụ: Chuỗi giá trị sản phẩm rừng trồng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững bắt đầu từ gieo tạo cây giống có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp, đúng vùng sinh thái cho đến khi trồng, chăm sóc, khai thác, mua bán nguyên liệu, sơ chế, tinh chế và thương mại đến tay người tiêu dùng (nội địa và xuất khẩu); Sản phẩm đó phải bảo đảm tiêu chuẩn “sạch” và thân thiện môi trường, hiện nay người ta thường gọi là tiêu chuẩn FSC (viết tắt từ tiếng Anh là Forest Stewardship Coucil)
Rừng trồng tại Phong Mỹ (Phong Điền) chuẩn bị đánh giá FSC. Ảnh: V.V. Dự
Từ cách nhìn của anh về vấn đề này, chúng ta có thể nói điều gì về chuỗi giá trị sản phẩm rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh? Nó đã được xác lập hay chưa?
Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến các ngành và địa phương để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn. Dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành. Sở cũng đã thúc đẩy Công ty Scansia Pacific làm đầu mối liên kết chuỗi giá trị sản phẩm gỗ lớn FSC ở Thừa Thiên Huế với doanh nghiệp sơ chế và các hộ trồng rừng. Theo đó, công ty này sẽ đầu tư toàn bộ chi phí để mời đơn vị tư vấn được FSC ủy quyền đến trực tiếp đánh giá các khu rừng trồng của hộ nông dân có bảo đảm tiêu chí FSC hay không để cấp chứng chỉ...
Đang lấy ý kiến, nghĩa là còn đang xác lập?
Việc lấy ý kiến là để bảo đảm kế hoạch đã được sự tham gia của các bên liên quan. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC vẫn tiến hành song song.
Trên báo Thừa Thiên Huế, đã có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang lãng phí tài nguyên đất rừng. Điều này xuất phát từ giá trị của sản phẩm rừng trồng chưa cao. Ý kiến của anh về vấn đề này?
Đúng là chúng ta đang lãng phí tài nguyên đất rừng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên người trồng rừng thường chỉ trồng và chăm sóc trong khoảng 4- 5 năm (thậm chí hơn 3 năm thôi) đã khai thác để bán nguyên liệu gỗ dăm nên giá trị sản phẩm gỗ nhỏ rất thấp, bình quân khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha/cây đứng tùy địa bàn; trong lúc đó, nếu nuôi dưỡng rừng trồng đến 7- 8 năm có thể cho giá trị bình quân khoảng 200 -250 triệu đồng/ha cây đứng, cao hơn gấp 3 lần. Theo tôi, để giúp người trồng rừng yên tâm đầu tư gỗ lớn thì chủ yếu phải giúp họ giải quyết các yếu tố vốn đầu tư dài hơi, rủi ro do bão.
Rừng trồng của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện đang chiếm tỷ lệ 61,59%, trong đó rừng keo của các hộ gia đình là 82,44%. Sản phẩm trên diện tích rừng trồng này đã mang lại giá trị mà nó có?
Giá trị gỗ rừng trồng hiện đang thu hút mạnh mẽ người nông dân đầu tư, chỉ cần nhìn diễn biến của thị trường đất trồng rừng là rõ. Từ chỗ phải vận động dân nhận đất trống, đồi trọc để trồng rừng đến nay, giá 1 ha đất trồng rừng khoảng 80 - 100 triệu đồng. Người trồng rừng chỉ bán gỗ dăm đã có lãi lớn, tuy nhiên nếu đầu tư chiều sâu, vừa có gỗ lớn vừa có gỗ dăm sau 7 năm thì giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng sẽ cao gấp 3 lần như đã nói trên. Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu thực tế về hiệu quả cụ thể của rừng trồng kinh tế, song nhìn vào xu hướng phát triển thị trường đất trồng rừng và tình trạng lấn chiếm trái phép đất để trồng rừng kinh tế cũng như hiện tượng giàu lên một cách chóng vánh của một số chủ trang trại có nhiều rừng trồng cho phép chúng ta khẳng định hiệu quả của trồng rừng kinh tế trên địa bàn.
Hiện nay, chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC đã bắt đầu hình thành từ các bên đối tác nói trên. Việc hình thành chuỗi này có sự hỗ trợ tích cực của Dự án mây tre keo bền vững - WWF Huế. Để giúp cho những hộ nông dân có thể tiếp cận được chứng chỉ rừng FSC, Sở NN&PTNT đã thành lập Ban Vận động thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững.
Anh có thể nói rõ hơn về vai trò của Hội chủ rừng này. Nó sẽ được cụ thể hóa ở những khía cạnh nào?
Hội chủ rừng phát triển bền vững đã được UBND tỉnh cho phép thành lập tại QĐ số 2329 ngày 30/9/2016. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đầy đủ pháp nhân và tự chủ về tài chính để đại diện cho các chủ rừng quy mô nhỏ theo hướng kinh doanh và phát triển rừng bền vững đạt tiểu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững FSC tại Thừa Thiên Huế
Sau khi thành lập Hội sẽ thay mặt cho tất cả các hộ trồng rừng có nguyện vọng được cấp chứng chỉ rừng FSC làm việc với các đơn vị/chuyên gia tư vấn đánh giá FSC, và khi được cấp chứng chỉ FSC, Hội sẽ là người đại diện cho tất cả trồng rừng để nhận. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã có 14 nhóm hộ, 259 chủ rừng tham gia chứng chỉ rừng với diện tích 986,29 ha ở các thị xã HươngThủy, Hương Trà và hai huyện Phong Điền, Phú Lộc.
Điều mà anh mong muốn đạt tới khi vận động và thành lập được hội này?
Nếu mọi việc theo đúng như kế hoạch dự kiến thì năm 2017, sẽ có khoảng 2.000 ha rừng trồng của khoảng 400 hộ tham gia FSC và lộ trình đến năm 2020, Hội chủ rừng phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu vận động 2.500 hội viên là hộ trồng rừng tham gia FSC khoảng 6.000 ha.
Ngoài mục tiêu nói trên, để góp phần phát triển kinh tế khu vực hộ gia đình và xây dựng nông thôn mới, theo lộ trình, Hội sẽ phối hợp với các bên liên quan hình thành các tổ hợp tác trồng rừng, tiến đến hình thành các HTX lâm nghiệp có quy mô phù hợp ở từng thôn, xã và phát triển lên mô hình liên hiệp các hợp tác xã lâm nghiệp đại diện cho các hộ trồng rừng FSC. Lúc bấy giờ vai trò của Hội không chỉ có hội viên là hộ trồng rừng mà có cả các tổ chức chủ rừng nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Xa hơn một chút, đến năm 2020, chúng tôi dự kiến sẽ hình thành được liên hiệp các hợp tác xã lâm nghiệp ở Thừa Thiên Huế để vừa góp phần phát triển kinh tế hợp tác/tập thể, vừa hình thành toàn bộ chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn từ nguyên liệu cho đến chế biến tinh theo chiều sâu ngay tại tỉnh nhà.
Có thể xem đó là mục tiêu cho cả sự phát triển. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn trao đổi ở đây là không phải hộ trồng rừng nào cũng có thể tham gia ngay vì mục đích lâu dài...?
Hẳn nhiên là không thể tất cả các hộ tham gia từ đầu. Song thực tiễn hoạt động kinh tế luôn chứng mình rằng khi một mô hình có hiệu quả thật sự, đem lại lợi ích thấy được cho người nông dân và họ được sự hỗ trợ của các bên liên quan thì chắc chắn trong một thời gian ngắn – theo tôi là vài năm - sẽ có hàng ngàn hộ nông dân tin, phấn khởi và làm theo.
Tôi nói điều này là vì, từ chỗ việc quản lý rừng bền vững còn là một thuật ngữ hết sức xa lạ không chỉ đối với người trồng rừng, thế mà chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy một năm, sau khi được tham quan các mô hình FSC thành công ở tỉnh bạn, đã có 259 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh với gần 1.000 ha rừng trồng đăng ký tham gia FSC năm 2016.
Cám ơn anh về cuộc trao đổi!
HÀ CHI (thực hiện)