Người dân được hỗ trợ mua sắm máy làm bún
Khó nâng cao
Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong cho rằng, TC nâng cao thu nhập của người dân phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, tiềm năng của địa phương. Trong khi đó, điều kiện phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với trồng lúa truyền thống và rau màu là chính.
Trong tiến trình xây dựng NTM, xã Quảng Thọ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Một số mô hình cánh đồng mẫu lúa, trồng lúa chất lượng cao, theo chuỗi giá trị được hình thành, thật sự góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Rau màu, trong đó rau má được trồng theo quy trình VietGAP, đầu tư công nghệ chế biến trà rau má túi lọc, rau má sấy khô, bột rau má matcha, giúp nâng cao thu nhập bình quân mỗi ha 250-300 triệu đồng/năm. Chăn nuôi lợn, gà theo phương thức an toàn sinh học, hạn chế tối đa dịch bệnh, góp phần cải thiện thu nhập. Từ thu nhập mỗi năm 35 triệu đồng cách đây 5 năm, đến nay thu nhập của người dân Quảng Thọ đạt trên 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ khi triển khai xây dựng NTM nâng cao, cũng với “chừng đó” ruộng lúa, rau màu, mô hình chăn nuôi... nên điều kiện thu nhập của người dân chưa cải thiện, khó đạt TC NTM nâng cao. Dịch COVID-19 tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh là một trong những lý do khiến thu nhập của người dân không ổn định, khó tăng. Đây cũng là thực trạng, khó khăn chung trong thực hiện TC thu nhập trong NTM nâng cao tại xã Quảng Phú.
Các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện một số TC theo quy định tiêu chuẩn mới, trong đó có TC nâng cao thu nhập của người dân. Dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, dịch vụ, cung ứng vật tư, vật liệu... Các TC chưa đạt cũng liên quan, tác động đến TC thu nhập, như có ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao và chế biến sản phẩm; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi khẳng định, nếu chỉ dựa vào trồng lúa, rau màu, trồng mía thì địa phương rất khó đạt TC thu nhập NTM nâng cao. Tuy nhiên, Quảng Phú xác định sản xuất nông nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển các ngành nghề khác. Địa phương tiếp tục triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước đưa các giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị. HTX, người dân được hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ, đầu ra ổn định cho cây mía, chuyển đổi mô hình trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp gắn với kinh doanh dịch vụ, đa ngành nghề bằng việc hỗ trợ, vận động người dân tổ chức kinh doanh dịch vụ hai bên cầu Tứ Phú và các trục đường chính; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây tre đan Bao La nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng An, ông Nguyễn Hiền lạc quan về mục tiêu của địa phương đến năm 2023 nâng mức thu nhập bình quân đầu người tại địa phương lên 45,6 triệu đồng/năm. Đây là nhiệm vụ khó, nhưng không phải không thực hiện được. Trước tiên, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất. Đồng thời, vận động Nhân dân mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như lúa chất lượng cao, rau an toàn, nuôi thủy sản xen ghép, trồng sen xen cá, nuôi gà an toàn sinh học, lợn siêu nạc…
Địa phương tận dụng các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển làng nghề, dịch vụ kinh doanh, trong đó khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo môi trường thúc đẩy sản xuất và cải thiện điều kiện thu nhập, chất lượng cuộc sống Nhân dân. Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương sẽ hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp phù hợp, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản, các ngành nghề truyền thống. Với nguồn lao động trẻ, dồi dào, Quảng An tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định, hỗ trợ người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sau đại dịch COVID-19 sẽ vận động người dân trở lại làm việc tại công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước trong điều kiện trạng thái bình thường mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo cho rằng, không có con đường nào khác ngoài nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề mới, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Quảng Điền đang phối hợp với Sở Công thương bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Quảng Lợi vào phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh. Các ngành nghề chính sẽ đưa vào hoạt động như cơ khí, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, công nghiệp thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, mộc, nội thất cao cấp, các ngành nghề tổng hợp khác.
Huyện Quảng Điền đang triển khai các đề án khuyến công, hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm, trà rau má, mây tre đan Bao La; đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất mỳ lát khô, bún Ô Sa, miến gạo khô, sản xuất cơ khí...; đẩy nhanh tiến độ triển khai lập đề án phát triển du lịch đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Bài, ảnh: Hoàng Triều