Đến dự hội thảo có các ông: Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Phan Ngọc Thọ, UVTV,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng các chuyên gia, lãnh đạo ban, ngành trung ương, địa phương và gần 200 đơn vị, doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn.
Vẫn hữu xạ tự nhiên hương
Những năm gần đây, hoạt động bảo hộ sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đối với đặc sản địa phương được khởi xướng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung… Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, phần lớn đặc sản, sản phẩm làng nghề nông thôn đang hoạt động nhỏ lẻ, tự phát. Cùng với đó là việc thiếu tính định hướng, liên kết, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, phong phú... nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được những đơn hàng lớn.
Ban chủ tọa hội thảo
Ông Thanh nói, chưa có con số thống kê chính xác nhưng hiện có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong quá trình hội nhập. Vẫn tồn tại quan điểm kinh doanh sản xuất theo lối "hữu xạ tự nhiên hương" chờ “bầu sữa” nhà nước hỗ trợ, không dám “ra khơi” xa. Hiện nay nếu không chủ động, không chịu đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu, thì tên tuổi của làng nghề khó vượt qua địa giới hành chính của địa phương, chứ đừng nói đến ra ngoài biên giới quốc gia” .
Quang cảnh tại hội thảo
TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, hoạt động bảo hộ sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đối với đặc sản địa phương gần đây được khởi xướng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nói chung. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 11 đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào 14 Top đặc sản nổi tiếng và Bún bò Huế là một trong 12 món ăn đạt Giá trị ẩm thực châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập. Tuy nhiên việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu cho đặc sản, sản phẩm ngành nghề truyền thống trên địa bàn còn hạn chế. Vấn đề áp dụng cơ chế chính sách phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm còn lúng túng, các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền đối với nhãn hiệu trí tuệ hoăc chỉ dẫn địa lý, chưa có các giải pháp đồng bộ tổ chức theo hướng, như quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu...
Cần chiến lược quảng bá thương hiệu
Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, nói đến Huế là kho tàng các đặc sản, sản phẩm làng nghề. Đơn cử, như Bún bò Huế, trái thanh trà, trà cung đình, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, không gian nghệ thuật cổ nhà rường… Hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi được được tôn vinh tài năng, tâm huyết trong việc bảo tồn nghề truyền thống. Bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đầu tư hạ tầng… được các sở ban ngành phối hợp triển khai tốt trong những năm gần đây.
Ông Võ Văn Quang chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu tại hội thảo
Ông Võ Văn Quang, Chuyên gia quốc tế thương hiệu có rằng, để các đặc sản, sản phẩm nông thôn ở Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, quan trọng là người đứng đầu, chủ doanh nghiệp biết tổ chức quản lý, có chiến lược quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ… Muốn làm tốt điều này, chủ doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, làm mới sản phẩm, không chỉ đầu tư “nội thất” bên trong mà chú ý đến hình thức bên ngoài của sản phẩm.
"Sản phẩm làm ra muốn đến tay người tiêu dùng không thể không quảng bá thương hiệu. Bằng nhiều hình thức quảng bá khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng phải có chiến lược kết nối, tạo chuỗi liên kết không chỉ sản phẩm làm ra dừng ở phạm vi địa phương mà lan tỏa đến các vùng miền, xuất khẩu ra nước ngoài” -ông Quang cho hay.
Dịp này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Thường trực Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, quá trình hội nhập các đặc sản, sản phẩm truyền thống muốn ra thị trường phải cạnh tranh, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm độc đáo, khác biệt và chất lượng. Muốn vậy các doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và cần sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, sự quan tâm của mỗi làng nghề và của từng cá nhân tại làng nghề trong việc kết nối, kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương…
Nêu quan điểm tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, lâu nay tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng quay hoạch phát triển ngành nghề, đặc sản truyền thống Huế. Qua dịp này, nhiều vấn đề được gợi mở giúp cho lãnh đạo, các doanh nghiệp, làng nghề có cách nhìn mới hơn về xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm. “Lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành sẽ tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng phát triển thương hiệu đặc sản để làng nghề vươn cao và vươn xa hơn, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập người dân địa phương ổn định, bền vững trong thời gian đến", ông Thọ khẳng định.
Bài, ảnh: Minh Văn