ClockThứ Ba, 02/02/2021 15:08

Xây dựng Phong Điền trở thành thị xã: Thời cơ và thách thức

TTH - "Phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cùng những giải pháp đồng bộ sớm đưa Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra...", ông Nguyễn Đình Bách, Tân Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Phong An: Đẩy nhanh phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trườngXây dựng thị trấn Phong Điền thành phường trung tâm

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách

Thưa ông, tình hình bão, lũ liên tiếp vào cuối năm 2020 đã gây thiệt hại rất lớn cho huyện Phong Điền. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2021?

Cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ liên tiếp tháng 9, 10 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trong đó Phong Điền là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất nhất về tính mạng và tài sản.

Việc khôi phục sản xuất sau bão, lũ đã được UBND huyện tập trung thực hiện. Tuy nhiên, một số hạng mục công trình phục vụ sản xuất vẫn chưa thực hiện được do điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài; nguồn lực trong dân khó khăn trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn, nhất là việc khôi phục phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả, trồng rừng… Trong nông nghiệp, nhiều cây trồng bị thiệt hại phải khôi phục nhưng phải có thời gian vài năm mới đem lại thu nhập cho người dân (cây cao su, cây ăn quả,…). Do vậy, chúng tôi xác định, năm 2021 là năm thật sự khó khăn để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, huyện phải tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả mới hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã đề ra.

Ông có thể cho biết, kế hoạch, giải pháp mà ông hướng đến để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới?

Mục tiêu mà Phong Điền đề ra là: Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Phát huy dân chủ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… Huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phấn đấu xây dựng Phong Điền đạt các tiêu chí đô thị loại IV… Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là:

Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ. Ưu tiên thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, các làng nghề. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Chăm sóc giống ớt cao sản để đưa vào trồng trong mùa vụ mới

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện bền vững theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Tập trung nguồn lực để khôi phục sản xuất. Hình thành điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng 2 xã Điền Hương và Phong Bình đạt chuẩn nông thôn mới.

Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng Đề án sắp xếp lại, tinh giản biên chế khi tiến hành sáp nhập các xã gắn với đề án thành lập thị xã Phong Điền...

Phát triển đô thị Phong Điền cũng như các đô thị vệ tinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc đưa Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025. Huyện sẽ làm gì để đạt kế hoạch này thưa ông?

Phương hướng và mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 là hoàn thành chương trình xây dựng NTM và trở thành thị xã trước năm 2025. Đến nay, toàn huyện có 9/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 3 xã và đến năm 2022 hoàn thành nội dung này. Song song phải xây dựng Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV; xây dựng đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường thuộc thị xã Phong Điền.

Hiện nay, UBND huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự kiến hoàn thành các nội dung để trình thẩm định, phê duyệt trong quý I/2021. Xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự kiến hoàn thành vào đầu quý II/2021.

Qua rà soát và đối chiếu theo tiêu chí của đô thị loại IV, huyện Phong Điền có một số tiêu chí chưa đạt, nhất là các tiêu chuẩn trong tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, có thời gian để triển khai. Vì vậy, chúng tôi sẽ có đánh giá, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành nội dung này.

Những nhiệm vụ trên tuy có thứ tự về thời gian, song huyện đang triển khai song song để cùng về đích trong thời gian sớm nhất. UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, trong đó mỗi nhiệm vụ, mục tiêu đều được phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cá nhân, đơn vị trong quá trình thực hiện.

Theo ông, Phong Điền có những thế mạnh gì có thể khai thác và phát huy, kêu gọi đầu tư, từ đó tạo sức bật cho đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh?

Phong Điền có lợi thế về địa lý - kinh tế cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong đó, mỏ đá vôi Phong Xuân có trữ lượng 240 triệu m3; mỏ than bùn Phong Chương với trữ lượng trên 5 triệu m3; mỏ cát trắng chất lượng cao với 3.800 ha, trữ lượng cấp C2 với tổng số là 41,5 triệu m3; các loại đá có lẫn quặng sắt và phụ gia hoạt tính cho sản xuất xi măng; vật liệu xây dựng như cát, sỏi, trữ lượng khai thác hàng năm hơn 10 nghìn m3; mỏ nước khoáng nóng Thanh Tân… Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Công nghiệp & TTCN là ngành kinh tế trọng tâm: Khu công nghiệp có diện tích 700 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 35%) và đang định hướng mở rộng thêm 300ha. Đang có 3 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Hiện đã thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động. Nhiều nhà máy đang hoạt động, sản xuất có hiệu quả như Công ty SCAVI Huế, Xi măng Đồng Lâm, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đang được quan tâm đầu tư, phát triển…

Du lịch, dịch vụ được xem là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Nhiều địa điểm du lịch đã hình thành: Suối khoáng nóng Thanh Tân, Làng cổ Phước Tích, bãi biển Điền Lộc. Nhiều địa điểm du lịch đang bước đầu đưa vào khai thác như: khu du lịch Đông Bắc, khu vực Ngũ Hồ, khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu. Bước đầu hình thành hệ thống thương mại, tín dụng tại trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền. Ngoài ra, huyện có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%...

Đây là những thế mạnh có thể khai thác, phát huy và kêu gọi đầu tư, tạo sức bật cho đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top