ClockThứ Sáu, 16/11/2018 09:18

Nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt: Cần xử lý mạnh tay

Trước hiện tượng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.

Mạo danh hàng Việt để lừa người tiêu dùng

Thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa…

Hành vi gian lận này tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã phần nào làm giảm uy tín của sản phẩm Việt Nam và ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước vô cùng “điêu đứng”, bị thiệt hại nặng nề khi sản phẩm do chính mình làm ra lại bị lép vế, khó cạnh tranh trước các sản phẩm nông sản mạo danh.

Nhiều chủ đại lý tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội cho biết, hoa quả Trung Quốc tại chợ chiếm đa số khiến hoa quả Việt gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt, hoa quả Trung Quốc có thể dễ dàng được dán nhãn hoặc được quảng cáo là hoa quả của bất kỳ thương hiệu nào, thậm chí là hoa quả nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết.

Nhiều tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt.

Phía các chuyên gia thị trường cũng nhận định, sở dĩ có hiện tượng này là do chuỗi sản xuất, phân phối nông sản của Việt Nam còn rất lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém. Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý. Mã số, mã vạch, QR Code…mới chỉ là bắt đầu nên không thể kiểm soát được hết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa nông sản.

Nguyên nhân khác khiến nông sản Việt Nam dễ dàng bị mất thương hiệu ngay chính trên “sân nhà”, theo giới chuyên gia là do vấn đề sản xuất ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ quy mô còn ít. Trong đó, kỷ luật thị trường về nông sản còn rất lỏng lẻo khi bản thân người nông dân không thể tổ chức được thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Đặc biệt, sản xuất nông sản chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối nội địa cũng như xuất khẩu. Nhiều thương hiệu nông sản lại đang tự hại nhau khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhà cung cấp muốn vào siêu thị lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng càng khó khăn.

Cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành

Trước hiện tượng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt có diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có đề nghị gửi Văn phòng Chính phủ phân tích, đánh giá cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản không rõ xuất xứ “đội lốt” hàng Việt Nam thứ nhất là bởi các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có đưa ra các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm (Chương XI) nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với sản phẩm “không bảo đảm an toàn”, tức là chỉ khi sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước có yêu cầu thì thương nhân mới phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với thực phẩm.

Thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam. Pháp luật đã có các quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm “của Việt Nam” hay không.

Theo Bộ Công Thương, do thương nhân có thể bán hàng mà không cần nhãn mác, không cần khai báo xuất xứ và cũng không phải truy xuất nguồn gốc nên các cơ quan chức năng hầu như không thể phát hiện và xử lý trường hợp nông sản nước ngoài “đội lốt” nông sản Việt Nam khi hàng đã vào chợ dân sinh. Thậm chí, ngay cả khi có lý do để nghi ngờ thì cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó “không phải là sản phẩm của Việt Nam”.

Do đó, để khắc phục tình trạng nông sản nước ngoài “đột lốt” nông sản Việt, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu

Tác động tích cực từ thị trường quốc tế, các chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tạo được lợi thế riêng của DN Huế trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu
Đưa nông sản Việt vươn xa

150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước cùng quy tụ tại công viên Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội từ ngày 28/11-1/12 tới để trưng bày, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; đồng thời quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa nông sản Việt tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nông sản Việt vươn xa
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL

TIN MỚI

Return to top