Chủ động ủ phân hữu cơ
Một trong những hợp tác xã (HTX) điển hình trên địa bàn tỉnh đang tổ chức sản xuất tốt mô hình lúa hữu cơ là HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền), bước đầu mang lại hiệu quả như mong đợi. Ngoài việc áp dụng mạ khay, máy cấy để thuận tiện chăm sóc, quản lý cỏ dại trong quá trình canh tác thì việc sử dụng phân hữu cơ để bón cho lúa là yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm được HTX này rất quan tâm.
Với lượng phân bón hữu cơ được HTX sử dụng khá lớn, trong khi nguồn phân hữu cơ tại địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc chọn cơ sở cung ứng có uy tín, đạt tiêu chuẩn… thì việc vận chuyển đến đồng ruộng phục vụ sản xuất cũng khá phức tạp. Đặc biệt, đối với những đồng ruộng có hệ thống giao thông chưa được thuận lợi thì chi phí vận chuyển, bốc xếp, bón phân rất lớn.
Để giúp nông dân có thể chủ động nguồn phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí, năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp tại HTX Nông nghiệp An Lỗ với 20 hộ tham gia. Các hộ được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật ủ phân, được hỗ trợ một số vật tư cần thiết. Quá trình sản xuất phân bón hữu cơ hoàn toàn sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ rác, thân cây lạc… kết hợp với phân chuồng được xử lý đúng kỹ thuật gắn với chế phẩm sinh học. Trong thời gian từ 2-3 tháng, mỗi hộ sản xuất được hơn 2 tấn phân hữu cơ có chất lượng tốt, lượng phân này được các hộ bảo quản phục vụ sản xuất trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ thông tin, HTX đã qua khá nhiều năm sản xuất lúa hữu cơ, hằng năm cung ứng hàng chục tấn lúa hữu cơ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để chuẩn bị đủ nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất, người dân lấy từ chuồng trại chăn nuôi gia đình, song phần lớn mua từ các cơ sở sản xuất phân hữu cơ với giá khá cao, khiến chi phí sản xuất tăng. Qua mô hình của Trung tâm Khuyến nông thực hiện, bà con có thể tự sản xuất phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, không chỉ tạo ra lượng phân bón hữu cơ lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch, nhiều lợi ích cho nông dân mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Hướng đi tất yếu
Trong bối cảnh giá cả vật tư đầu vào trong nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón thì mô hình này còn giúp nông dân giải pháp thay thế phân bón hóa học nhằm tiết kiệm chi phí, nhờ tận dụng các nguyên liệu sẵn có. Đây cũng là giải pháp, hướng đi mới góp phần hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Việc thực hiện mô hình giúp nông dân có được kiến thức, kỹ năng áp dụng thành công ủ phân hữu cơ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Gần đây, NNHC là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của con người, cũng như đảm bảo sự bền vững cho môi trường. Ở Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, sản xuất NNHC đã và đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, quá trình phát triển NNHC còn gặp nhiều khó khăn và thách thức cần tháo gỡ, như nguồn đất, nước phục vụ sản xuất ít do ngày càng bị ô nhiễm. Trong khi sản xuất NNHC yêu cầu hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong quá trình sản xuất, năng suất cây trồng còn thấp.
Tại Thừa Thiên Huế, sản xuất NNHC bắt đầu từ Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai năm 2019. Đến nay, các mô hình của công ty này vẫn đang được tiếp tục triển khai và đạt một số kết quả tích cực. Sau đơn vị này, một số HTX, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh… kết hợp với nông dân sản xuất cánh đồng lớn, lúa hữu cơ với các giống mới chất lượng cao.
Những năm gần đây, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, NNHC. Đến nay, một số địa phương nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng 40 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 55ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển với hơn 5.100ha lúa và rau các loại, sản xuất lúa hữu cơ hơn 500ha…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3,5%/năm. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh đang chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tỉnh cũng đã tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP) và trên từng lĩnh vực của ngành bước đầu đạt được kết quả nhất định. Trong số các loại sản phẩm chủ lực, OCOP có nhiều loại nông sản hữu cơ, VietGAP… đang được khuyến khích mở rộng diện tích, quy mô sản xuất. |