Mô hình chế biến thủy, hải sản đóng hộp được người dân các xã, phường ven biển phát triển
Tiềm năng
Qua thời gian khảo sát và nghiên cứu, năm 2020, Công ty TNHH Khang Hân quyết định đầu tư mô hình trang trại công nghệ cao theo chuỗi tại phường Hương An, TP. Huế. Với diện tích 2,2ha, trang trại có tên Rơm Farm bao gồm 4 khu nhà màng, nhà lưới; đồng thời áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để trồng dưa lưới, dưa lê hoàng kim, bắp nữ hoàng…
Theo Giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Đông Phương, điểm khác biệt giữa Rơm Farm và các trang trại thông thường là đưa ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu, từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu, quy trình tưới nhỏ giọt để trồng cây, phân bón, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng… Quy trình này góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đồng thời giúp cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua vụ thu hoạch đầu tiên, sản lượng đạt cao, chất lượng tốt nên được khách hàng đón nhận. Sắp tới, công ty sẽ nghiên cứu trồng thêm một số sản phẩm, đồng thời kết hợp mô hình trồng cây ăn trái và tour du lịch trải nghiệm phục vụ du khách và người dân.
Lâu nay, Hương Vinh được xem là “vựa lúa” quy mô lớn của TX. Hương Trà với diện tích trồng lúa hơn 330ha. Sau khi sáp nhập vào TP. Huế, khai thác tiềm năng sẵn có, Hương Vinh tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, mở rộng mô hình trồng lúa chất lượng cao, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, bà Nguyễn Thị Hồng Oanh cho rằng, với lợi thế về diện tích trồng lúa lớn, nhiều năm qua, phường đã liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh vận động bà con triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, đưa các giống lúa mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, các hộ dân đã chuyển đổi được 15ha, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình và nâng diện tích lên gấp đôi, đồng thời vận động bà con chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen nhằm nâng cao thu nhập.
Tại các vùng biển, đầm phá và thủy sản nước lợ, với lợi thế về đánh bắt xa bờ và chế biến thủy, hải sản, lâu nay người dân phát triển nhiều mô hình chế biến các loại thủy, hải sản đóng hộp, như cá khô, nước mắm, ruốc, bánh ép…, đồng thời đăng ký thương hiệu để đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết trong sản xuất, chưa đầu tư máy móc công nghệ hiện đại nên sản phẩm chưa có mặt nhiều tại hệ thống siêu thị, số lượng tiêu thụ còn bấp bênh.
Đầu tư máy móc, công nghệ mới
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, kinh tế đầm phá, biển, ngành nông nghiệp, trước đây không phải thế mạnh của thành phố. Sau khi sáp nhập 13 xã, phường mới, hiện thành phố không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà sẽ trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và núi, có thể phát huy nhiều thế mạnh. Quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thay đổi.
Với lợi thế có biển, đầm phá và vùng nước lợ tập trung tại các địa phương Hương Phong, Hải Dương, Phú Dương, Thuận An, ngoài việc vận động bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất các sản phẩm thủy, hải sản. Sắp tới, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở phát triển thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị; đồng thời nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, đầu tư nâng cấp cảng cá Thuận An để hoàn thiện hạ tầng cảng cá.
Đối với diện tích rừng tập trung nhiều ở các xã Hương Thọ, Thủy Bằng, Hương Hồ, ngoài việc phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, thành phố chú trọng đến việc chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tại các địa phương như Hương An, Hương Hồ, Phú Thanh, Phú Mậu…, với lợi thế về cây ăn trái và hoa màu, thành phố vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém phát triển sang các mô hình trồng cây trong nhà kính, nhà lưới, các loại hoa màu phù hợp, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế Đồng Sĩ Toàn, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp tại các xã, phường mới, thành phố tăng cường công tác thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi. Trong đó, ứng dụng mô hình máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật lên các bộ phận của cây trồng, vừa giúp tránh lãng phí nước, tránh lãng phí thuốc, vừa đảm bảo hiệu quả phun phòng trừ sâu bệnh; chuyển đổi các mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra, thành phố tiếp tục khảo sát, thẩm định để đề xuất Sở Công thương hỗ trợ vốn khuyến công đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sản xuất sản phẩm, đồng thời lên kế hoạch lựa chọn các sản phẩm phù hợp để đề xuất đăng ký nhãn hiệu tập thể cho một số đặc sản hiện có. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cũng được chú trọng nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở kết hợp công nghệ hiện đại với sản xuất truyền thống tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bài, ảnh: Thanh Hương