Dịch vụ logistics (dịch vụ vận tải) có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Tuy nhiên, tại nước ta, hiện nay dịch vụ logistics phát triển chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải làm thay công đoạn của ngành logistics, đó là tự vận chuyển hàng hóa.
Điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục những hạn chế và phát huy tiềm năng vốn có trong việc phát triển dịch vụ vận tải?
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cả nước hiện có trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là dịch vụ có nhiều tiềm năng với quy mô từ 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm gần 21% GDP của cả nước.
Dịch vụ logistics có nhiều tiềm năng với quy mô từ 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm gần 21% GDP của cả nước. Ảnh minh họa: KT
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp logistics chiếm tới hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song phần lớn mới chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ với một số phân khúc dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ tại các cảng... Ngược lại, các công ty logistics nước ngoài lại đang chiếm giữ tới 80% thị phần, trong khi họ chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động, 20% thị phần còn lại thuộc về hơn 1.200 doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Điều này cho thấy, thị phần logistics Việt Nam đang nằm trong tay của các “ông lớn” nước ngoài.
Ông Trần Anh Vương, tổng thư ký diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, một trong những điểm hạn chế của dịch vụ logistics nước ta hiện nay là chi phí quá cao.
“Kết cấu, chi phí vận tải logistics cao là điều tất yếu do khối lượng vận tải của Việt Nam tương đối thấp so với các nền kinh tế khác. Một vùng đông dân như nước Anh, chi phí cho dịch vụ này chỉ khoảng 40.000 USD thì ở nước ta con số này lên tới 140.000 USD”, ông Vương thông tin.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm cho thấy, nguyên nhân yếu kém của ngành logistics là do doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, lại nằm phân tán và thiếu sự liên kết, dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tham gia tại thị trường Việt Nam là những doanh nghiệp lớn, có sự liên kết trên toàn thế giới và đang áp đảo về thị phần trong lĩnh vực logistics.
Điều đáng nói, gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam không có tài sản, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Đây cũng là lý do khiến chi phí logistics của nước ta chiếm tỷ lệ cao trong GDP.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện phát triển logistics và đưa hoạt động này lên một tầm cao mới bởi thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta đang rất sôi động, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 300 tỷ USD năm 2016 và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Do đó, nếu chất lượng logistics được cải thiện thì sẽ là cú hích lớn với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
“Theo tính toán, cứ 1 ngày hàng hoá phải chờ xuất khẩu, nhập khẩu thì thương mại sẽ giảm tới 4%. Do đó, những hạn chế trong logistics thương mại như hiện nay đang là trở ngại lớn trong chiến lược tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics tại Việt Nam”, ông Hải cho biết.
Mới đây, Chính phủ đã ký Quyết định số 200 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống từ 16%-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Sự ra đời của Quyết định số 200 là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam, vì đây là lần đầu tiên một quyết định được ban hành có 1 lộ trình cụ thể với 60 nhiệm vụ được giao cho các cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện rõ ràng và có thời gian hoàn thành.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics cho biết, mặc dù đây là tín hiệu vui của ngành logistics nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều trăn trở và cần được tháo gỡ.
“Quyết định 200 mới ban hành nhưng để thực hiện được thì Chính phủ, các ban ngành, các địa phương cần tạo điều kiện. Bên cạnh đó còn nhiều việc khác như phải bảo đảm các chế độ phí, giá, dịch vụ… Để bảo đảm lâu dài, Nhà nước phải can thiệp vào công tác này, ngay cả việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi và có khả năng đàm phán lãi suất với ngân hàng…”, ông Hiệp đề xuất.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics cũng như đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải tự tạo ra nhu cầu cho khách hàng.
Theo VOV