|
Hàng hóa vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý |
Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, từ đầu năm đến nay, Quản lý thị trường (QLTT) đã tiến hành kiểm tra 156 vụ, xử lý 135 vụ, đang xử lý 6 vụ, tổng giá trị thực hiện gần 1,7 tỷ đồng ; trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 436 triệu đồng; giá trị tang vật tịch thu đã bán hơn 263 triệu đồng; giá trị tang vật bị tịch thu hơn 924 triệu đồng; giá trị tang vật vi phạm buộc tiêu hủy hơn 51 triệu đồng.
Kiểm tra, xử lý kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, QLTT tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 229 triệu đồng; giá trị hàng tịch thu đã bán 263,9 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu là 924,26 triệu đồng.
Về phía Công an tỉnh, lực lượng này đã phát hiện 89 việc/86 đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hành chính 70 việc/72 đối tượng với số tiền 904,95 triệu đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 762,975 triệu đồng. Ra quyết định tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Về phía Cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, công tác chống sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm trên địa bàn đã đạt được kết quả nhất định. Trên các địa bàn quản lý của Cục Hải quan không xảy ra hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù lực lượng chức năng quyết liệt trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (BL, HG & GLTM) nhưng tình hình vi phạm pháp luật, nhất là các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu… trên các tuyến giao thông vẫn xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi và luôn có phương án để đối phó với các lực lượng chức năng như: Tổ chức hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, các dịp lễ, Tết; lợi dụng các tổ chức bưu chính, chuyển phát nhanh, giao hàng để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Trong khi đó, các phương tiện vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh hầu hết lưu thông trên tuyến đường cao tốc, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phối hợp dừng và khám phương tiện.
Tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số khá phổ biến, các đối tượng sử dụng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương – Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh, với sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh; việc thường xuyên kiện toàn và hoàn chỉnh các quy chế phối hợp liên ngành, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực, thực thi của các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và sự chủ động của các cơ quan chức năng đã góp phần duy trì ổn định thị trường trên địa bàn.
Xác định công tác chống BL, HG & GLTM là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, không có “vùng cấm”, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, buôn lậu nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức và Nhân dân; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
“Bên cạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước, quyền lợi người tiêu dùng và nhóm sản phẩm, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, như: Xăng dầu, khí, phân bón, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá..., tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, QLTT, chính quyền địa phương… để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, buôn lậu nhanh chóng, đúng pháp luật…”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.