ClockThứ Tư, 30/03/2022 06:00

Phục hồi kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm - Bài 1: Cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

TTH - Dịch COVID-19 đã đánh một đòn “chí mạng” vào hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với sự đồng hành từ các chính sách vĩ mô đến vi mô, những trở ngại ấy đang dần được tháo gỡ.

Nền kinh tế duy trì đà hồi phục, GDP trong quý 1 tăng trưởng 5,03%Huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế

Hai năm bó gối, nhiều DN đang dần thích ứng trở lại và bắt đầu đặt ra mục tiêu tăng trưởng mới trong năm 2022 khi du lịch, dịch vụ, xuất khẩu dần được mở cửa trở lại. Song, bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ.

Doanh nghiệp gặp khó khi tái xuất trở lại​

Thách thức ngày trở lại

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế thông tin, trong hơn 2 năm qua, phương tiện phải dừng hoạt động dài ngày, các phương tiện xảy ra hư hỏng nặng như: thân vỏ, động cơ, lốp, bình điện... Mặc dù cố gắng bảo dưỡng nhưng thời gian nghỉ quá dài, chi phí bảo dưỡng quá lớn nên những hư hỏng ngày càng nghiêm trọng. Một số phương tiện có sử dụng vay vốn ngân hàng đều phải thanh lý trước thời hạn, rất nhiều lái xe đã xin chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển sang hợp đồng ngắn hạn.

Trong điều kiện sụt giảm doanh thu, nhưng các chi phí khác như: lệ phí hai đầu bến, lãi vay ngân hàng, các loại thuế, phí, lương cho người lao động, vật tư, sửa chữa... vẫn giữ nguyên gây nhiều khó khăn cho việc duy trì hoạt động của DN. Nhiều DN phải thanh lý bớt xe, phương tiện hư hỏng “nằm chờ” phục hồi, lao động nghỉ việc nên DN vận tải muốn “tái xuất” phải đầu tư không nhỏ cho chi phí sửa chữa phương tiện, các chi phí phát sinh, đào tạo lại đội ngũ lao động.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội DN nữ Thừa Thiên Huế, Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt Nga chia sẻ, nhiều khách sạn phải ngưng đón khách hoặc chỉ mở cửa cầm chừng trong 2 năm qua. Giờ muốn tái phục vụ trở lại phải đầu tư không nhỏ cho hạ tầng từ chăn ga, gối nệm, đầu tư cải tạo lại cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ khách hàng. Trong khi đó, DN du lịch đã kiệt quệ trong 2 năm qua, hạn mức tín dụng cũng đã chạm ngưỡng, không còn tài sản để thế chấp nên phục hồi kinh tế là vấn đề rất khó khăn.

Động lực từ chính sách tài chính

Gánh nặng tài chính vẫn là áp lực lớn nhất của DN. Điều DN mong mỏi nhất là các chính sách hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật". Kỳ vọng này đang ngày được đáp ứng khi nhiều chính sách mới từ vĩ mô đến vi mô triển khai trong những ngày đầu năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng DN.

Trong đó, phải kể đến các chính sách hỗ trợ tài chính để khôi phục và phát triển kinh tế chưa từng có tiền lệ được triển khai ngay từ đầu năm 2022 như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022. Cùng với đó, các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế năm 2021.

Chính phủ cũng mạnh tay tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Cùng với các chính sách vĩ mô, tỉnh cũng đã xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, DN phát triển kinh tế. Những chính sách này bám khá sát vào khung chính sách của Trung ương nhằm tạo thêm nguồn lực cho DN. Có thể kể đến như hỗ trợ thêm lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống NHTM trên địa bàn; bổ sung thêm kinh phí cho VBSP tỉnh cho vay giải quyết việc làm, cho vay đầu tư trang, thiết bị phục hồi SXKD; hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh (hiện đang áp dụng lãi suất 7,92%/năm). Như vậy, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch có nhu cầu vay vốn tại các NHTM chỉ định sẽ được giảm tổng lãi suất từ Trung ương đến địa phương là 4%. DN cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ VBSP và các chương trình có lãi suất trên 6% của ngân hàng này cũng sẽ được điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và SXKD so với giá đất ở cùng vị trí, điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất cũng kỳ vọng sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19 (gồm: khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng).

Những chính sách này đang được ngành thuế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai mạnh mẽ với kỳ vọng đồng hành cùng DN trong khôi phục và phát triển kinh tế. Và “phát súng” đầu tiên được Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai khi tung gói 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng DN lớn lãi suất 4%/năm mục tiêu hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy SXKD.

Chủ tịch Hiệp hội DN, ông Dương Tuấn Anh nhận định, những chính sách trên đã đánh đúng, trúng điểm nghẽn của DN là vấn đề tài chính trong đầu tư phục hồi kinh tế. Bởi khó khăn nhất hiện nay của DN chính là vốn để đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị, đầu tư hạ tầng, nhân sự. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là cách hiện thực hóa chính sách để làm sao có nhiều DN được tiếp cận...

Hoàng Loan

(còn tiếp)

Bài 2: Khi nội lực và ngoại lực cộng hưởng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top