Phun thuốc tiêu độc vào phương tiện vận chuyển lợn trước khi đi qua địa bàn huyện
Ngày nào ông Trần Thiện Chương, chủ TT chăn nuôi lợn, gà tại xã Quảng Vinh cũng triển khai việc tiêu độc, khử trùng (TĐKT), vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Vào thời điểm DTLCP đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành và mới đây xảy ra tại Phong Điền, ông Chương đã hạn chế người và động vật ra vào TT.
Các khách hàng, lái buôn trước khi vào TT mua lợn, gà đều phải xịt thuốc TĐKT. TT giăng lưới và dựng “hình nộm” để ngăn chặn, xua đuổi các loại chim di trú- một trong những tác nhân có thể mang mầm bệnh lây lan từ nơi này đến nơi khác.
Hầu hết các TT trên vùng cát Quảng Điền đều thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống DTLCP. Ngoài TĐKT, các chủ TT còn bổ sung nguồn thức ăn chất lượng, vitamin C nhằm tăng đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đánh giá của ngành thú y huyện Quảng Điền, những biện pháp phòng dịch tại các TT sẽ có thể ngăn ngừa được dịch bệnh. Điều mà cơ quan chức năng và địa phương lo ngại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn lại tỏ ra chủ quan, chưa chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là nguyên nhân dẫn đến DTLCP có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cũng như một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác, ông Đặng Chiến, chủ một hộ nuôi lợn nhỏ lẻ tại thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi tỏ ra thiếu hiểu biết về nguy hại của DTLCP. Từ khi dịch xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và mới đây đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, ông Chiến rất lúng túng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình mình.
“Tui nghĩ DTLCP khó có thể xảy ra trên địa bàn. Đàn lợn trước khi thả nuôi có tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh, nhưng quá trình nuôi, gia đình tui không chuẩn bị dự phòng hóa chất tại chỗ để triển khai phòng DTLCP khi cần thiết”, ông Chiến nói.
Trong thời điểm xảy ra DTLCP, hộ ông Chiến cũng như nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã Quảng Lợi nói riêng và huyện Quảng Điền nói chung đều chủ quan, không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phải đến khi lực lượng cán bộ thú y huyện, cơ sở đến kiểm tra, nhắc nhở tận nhà, cấp phát hóa chất thì các hộ mới triển khai.
Lực lượng thú y huyện Quảng Điền tiêu độc khử trùng tại một trang trại
“Kiểm tra cho thấy người dân khá thờ ơ với dịch. Xung quanh chuồng trại rất bẩn, không phát hiện có dấu vết vôi, hay thuốc TĐKT. Cán bộ thú y phải triển khai phun thuốc TĐKT thay cho các hộ chăn nuôi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng, chống DTLCP”, ông Phạm Đình Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Điền thông tin.
Trước khi DTLCP chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành thú y huyện Quảng Điền cũng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Hầu hết các điểm chăn nuôi TT, gia trại, các điểm giết mổ, kinh doanh, đường làng, ngõ xóm… đều được các lực lượng tổ chức TĐKT, phát quang, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Đến thời điểm này, DTLCP chưa có dấu hiệu xảy ra trên địa bàn, song ngành thú y huyện và các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, thiết bị ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Trước mắt, ngành thú y cấp phát hóa chất, vôi cho các hộ chăn nuôi chủ động triển khai TĐKT. Các chủ TT, gia trại cũng như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm thời không nhập giống lợn từ nơi khác vào thời điểm này. Sản phẩm thịt lợn trước khi nhập vào địa bàn tiêu thụ phải qua kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ.
Tiêu độc khử trùng điểm giết mổ
Để chủ động trong phòng, chống DTLCP, UBND huyện Quảng Điền đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong việc kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư để chủ động ứng phó kịp thời khi có bệnh dịch xảy ra trên địa bàn. Ngành thú y phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến tận cơ sở về tình hình dich bệnh; tổ chức tập huấn cho lực lượng thú y và người chăn nuôi, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Văn Quang cho biết, Quảng Điền có 12 ngàn hộ chăn nuôi lợn với khoảng 25 ngàn con. Ngành thú y xác định các xã giáp ranh huyện Phong Điền như Quảng Thái, Quảng Lợi có nguy cơ xảy ra dịch nên tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Bài, ảnh: Hoàng Triều