ClockThứ Hai, 13/11/2023 07:11

Rà soát di dân, hạ mực nước hồ chứa ứng phó mưa lớn

TTH - Dự báo từ đêm 12 đến ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 800mm. Hồ đập tiếp tục điều tiết nước, các địa phương rà soát di dân, chủ động phương án ứng phó.

Yêu cầu bảo đảm an toàn cho người dân tại miền Trung, Tây NguyênGấp rút ứng phó mưa lớn trên lưu vực sông HươngThích ứng để phát triển bền vữngChủ động ứng phó áp thấp gây mưa lớnTP. Huế: Ứng phó chủ động với mưa lớn, gây úng ngập

 Tăng lưu lượng vận hành hồ thủy điện Bình Điền ứng phó đợt mưa tới

Triển khai phương án ứng phó

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng không khí lạnh, từ đêm 12 đến 17/11, trên đất liền tỉnh có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 800mm. Vùng biển ngoài khơi của tỉnh có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8- 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,5-4m. Trước diễn biến xấu của thời tiết, dự báo lượng mưa có nơi trên 800mm, các địa phương, chủ hồ đập đã triển khai công tác ứng phó thiên tai.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm (A Lưới) cho biết, qua rà soát trên địa bàn cho thấy, toàn xã có 180 hộ dân với khoảng 720 nhân khẩu thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, mưa bão, sạt lở đất. Các hộ dân tập trung ở những vùng địa hình khá phức tạp ở các thôn như Âr Bả Nhâm, A Hưa Pa E, Âr Kêu Nhâm và Pi Ây 1, 2. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, xã đều tiến hành rà soát nhà ở có nguy cơ mất an toàn trước thiên tai nhằm chủ động phương án di dời đến các điểm an toàn hoặc xen ghép trong dân và làm tốt công tác “5 tại chỗ”.

A Lưới là huyện miền núi với đặc thù địa hình nhiều đồi núi, khe suối chia cắt. UBND huyện đã rà soát, cập nhật danh sách cụ thể từng hộ dân ở các địa bàn khu dân cư có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhằm chủ động di dời dân đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tổng cộng số hộ cần di dời khi xảy ra bão, lũ khoảng 1.800 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu.

Hàng năm, các đoạn tuyến trên đường Hồ Chí Minh, Quốc Lộ 49 qua địa bàn huyện là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đã được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa vào các vùng trọng điểm sạt lở để cảnh báo các địa phương. Các lực lượng Công an, đơn vị quản lý đường bộ, chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực sạt lở và sẵn sàng vật tư, phương tiện khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông và thông tuyến đường sớm nhất.

Tại huyện Nam Đông, thời gian vừa qua, mưa lớn tiếp tục gây ngập úng một số khu vực thấp trũng trên các tuyến đường, ảnh hưởng giao thông đi lại và cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Mới đây Ban An toàn giao thông huyện phối hợp với Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế khắc phục, xử lý kịp thời các điểm ngập úng cục bộ các tuyến đường trên địa bàn huyện. Tỉnh lộ 14B đoạn từ xã Hương Phú đến Hương Xuân, đơn vị bảo trì đường bộ đã tiến hành nạo vét bùn đất, đá, xử lý bề mặt nền đường và khơi thông các miệng cống nhằm tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra.

UBND huyện cũng đã tiến hành xây dựng khu tái định cư ở thị trấn Khe Tre nhằm phục vụ công tác di dời, tái định cư cho các hộ dân sống ở nguy cơ sạt lở cao giữa tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B.

 Chủ phương tiện, thuyền trưởng cần nắm diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh

Hạ mực nước hồ chứa

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, để chủ động ứng phó với thời tiết xấu (đợt mưa từ ngày 12-17/11), yêu cầu các địa phương, chủ hồ đập theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và Nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh. Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải) biết diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh.

Rà soát, cập nhật phương án ứng phó mưa lũ đã được phê duyệt. Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt cục bộ và cảnh giới, hướng dẫn tại các ngầm, tràn khi xảy ra mưa lũ. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vật tư thi công. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang, khơi thông dòng chảy, phòng tránh ngập úng cục bộ.

Nhằm hạ mực nước hồ chứa thủy điện, thủy lợi, tăng dung tích phòng lũ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh liên tiếp có các lệnh vận hành các hồ chứa đối với hồ Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch.

Đối với hồ Hương Điền, tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 - 600m3/s; hồ Bình Điền tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 150 - 500m3/s, thời gian tăng dần lưu lượng lúc 7 giờ ngày 11/11; hồ Tả Trạch duy trì lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin 250-700m3/s nhằm tiếp tục hạ dần mực nước hồ.

Yêu cầu các địa phương thuộc hạ du hồ chứa thủy điện, thủy lợi nghiêm cấm các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá... trên sông hói, thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh. Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức trực ban, vận hành hệ thống cửa đập, cống bảo đảm khả năng thoát lũ cho vùng hạ du hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi các địa phương về việc chủ động ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

Các chủ đầu tư công trình thủy điện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư cùng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống xảy ra.

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống
Chủ động ứng phó với trượt lở đất

Các huyện miền núi với đặc điểm địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất ảnh hưởng đến khu dân cư. Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi trọng nhằm phát triển bền vững.

Chủ động ứng phó với trượt lở đất
WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

Tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này vừa khởi động Kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác gây ra bởi arbovirus (virus lây truyền từ động vật chân đốt, ví dụ như muỗi Aedes).

WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết
Return to top