Ra đời gần 2 năm, sàn giao dịch nông sản này đã liên kết với hơn 300 nhà sản xuất, người nông dân; đồng thời phục vụ hơn 10 ngàn lượt khách hàng, tốc độ phát triển 20% mỗi tháng.
Các bạn trẻ tham gia giao dịch tại FoodMap.asia ở TP. Hồ Chí Minh
Gần người tiêu dùng
Khởi đầu với niềm đam mê sáng chế robot và thiết bị tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, chàng trai sinh năm 1989 này đã quyết định bỏ ngang việc học khi đang là sinh viên năm 3 khóa kỹ sư tài năng Khoa Điện – Điện tử, Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh lên nông trại Cầu Đất Farm - Đà Lạt để làm nông. Ba năm gắn bó với nông trường này ở vị trí giám đốc, Tùng có cơ hội tìm hiểu ngành nông nghiệp dưới góc nhìn vừa của nhà quản lý, vừa là người trực tiếp sản xuất, vừa thu mua, vừa phân phối và xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Cảm nhận được tình cảnh khó khăn trăm bề của người nông dân Việt Nam với câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, một lần nữa, Tùng quyết định từ bỏ vị trí giám đốc nông trại để trở lại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình mới xây dựng sàn giao dịch nông sản. Nhà sáng lập FoodMap chia sẻ: “FoodMap được xây dựng theo phương châm: đưa sản phẩm nông sản từ trang trại thẳng tới bàn ăn, để người nông dân và người tiêu dùng cùng được lợi nhất”.
Sàn giao dịch hoạt động rất đơn giản, những nhà sản xuất, nông dân, nhà vườn tham gia vào FoodMap.asia bằng cách đăng ký thông tin, đội ngũ FoodMap sẽ tới kiểm tra xem chất lượng, tìm hiểu câu chuyện đặc trưng liên quan đến người sản xuất và sản phẩm, từ đó FoodMap kết nối với người tiêu dùng thông qua những kênh bán hàng như online, offline và những phiên chợ giới thiệu sản phẩm. Lên sàn, sản phẩm đã được kiểm định trước.
Thông thường FoodMap có 4 tiêu chí để đánh giá chất lượng sản phẩm. Thứ nhất, các nhà cung cấp phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thứ 2 là có truy xuất nguồn gốc; thứ 3 là được người tiêu dùng feedback tốt; thứ 4 là đội ngũ FoodMap sẽ tới trực tiếp để đánh giá. Thông qua các tiêu chí này, FoodMap sẽ lọc ra những nhà cung chất lượng nhất và dùng những ứng dụng công nghệ như platform (thông qua chạy quảng cáo trên facebook, fanpage, sàn thương mại điện tử…) để giới thiệu cho khách hàng”.
Triển khai dự án này có rất nhiều khó khăn, bởi vì Foodmap về bản chất là một công ty khởi nghiệp, nguồn vốn cũng không mạnh. Cho nên ban đầu, việc thuyết phục các nhà cung cấp tham gia vào sàn giao dịch để bán hàng online là điều rất khó, bởi vì lúc đó Foodmap.asia cũng chưa có lịch sử dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, bằng cách giúp những nhà cung cấp vừa và nhỏ xây dựng các câu chuyện về sản phẩm, giúp họ có hình ảnh chuyên nghiệp hơn đến người tiêu dùng, FoodMap đã thuyết phục được nhà cung cấp tham gia vào sàn giao dịch nông sản.
Thông qua nhiều chiến dịch quảng bá, lượng traffic lớn (số lượng người truy cập và hoạt động trên website FoodMap.asia) và lượt mua rất nhiều, từ đó đã tạo niềm tin cho nhà sản xuất để họ tham gia vào đây để có thêm kênh phân phối sản phẩm hiệu quả.
Tùng tự tin: “Bây giờ FoodMap đã vượt qua được bài toán con gà và quả trứng, nhiều nhà cung cấp đã tự tìm tới FoodMap để đề nghị hợp tác trên sàn giao dịch nông sản”.
FoodMap là một công ty về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cho nên công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, Ceo Phạm Ngọc Anh Tùng khẳng định, FoodMap luôn hướng đến việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề về nông nghiệp dưới góc nhìn của người nông dân và nhà sản xuất. Bởi: “FoodMap được hình thành trước tiên là để mình lý giải cho nhưng câu hỏi của bạn bè và người thân của mình đặt ra, đó là mua cái này có tốt không, thương hiệu nào uy tín, liệu có an toàn không và mua ở đâu thì đáng tin cậy.”
Phạm Ngọc Anh Tùng với các sản phẩm của sàn giao dịch
Giấc mơ xuất khẩu nông sản
Ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới như Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… đều đã có sàn giao dịch về nông sản. Có thể kể đến Trung Quốc có Meicai.cn, Ấn Độ có Nijiacart, Indonesia có TaniHub... tuy nhiên mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Foodmap có thể coi là một trong những sàn giao dịch nông sản đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình kết nối người sản xuất nông nghiệp với người tiêu dùng ở các thành phố. Điều FoodMap làm được là đưa được các sản phẩm đã được kiểm định chất lượng lên các sàn thương mại điện tử. Từ cầu nối FoodMap, những sản phẩm của các nông hộ chưa có nguồn lực, chưa có kinh nghiệm được FoodMap kết nối đưa vào giao dịch tại các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki; FoodMap cũng đang xúc tiến để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon…
Đầu tháng 11/2020, ngay sau khi vừa gọi vốn thành công nửa triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore), Ceo Phạm Ngọc Anh Tùng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng trải nghiệm đầu tiên O2O2O (online to offline to online) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là phiên chợ thử nghiệm đầu tiên của Foodmap về đặc sản nông nghiệp, các đơn vị tham gia gian hàng được trưng bày miễn phí, được FoodMap hỗ trợ nâng cao nhận diện thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến. Sự kiện này trước mắt sẽ được tổ chức định kỳ 1 tháng/1 lần tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nếu có điều kiện sẽ mở rộng ra địa bàn toàn quốc.
Từng đi nhiều nước trên thế giới và nhận thấy sản phẩm nông sản Việt vắng bóng trên các kệ hàng trong siêu thị, Tùng luôn đau đáu với suy nghĩ làm cách nào để hàng nông sản Việt được đưa vào bán tại đây. Làm sao thay vì chỉ nổi tiếng với việc “xuất khẩu sản phẩm thô”, Việt Nam sẽ có những sản phẩm nông sản có “thương hiệu, có giá trị cao” đi nước ngoài là “giấc mơ lớn” của Phạm Ngọc Anh Tùng.
Với sự hỗ trợ tài chính từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners, FoodMap đã có điều kiện đầu tư mạnh mẽ hơn về các nền tảng công nghệ, về IT, về xây dựng hệ thống phân phối và phát triển thị trường bán lẻ, nhưng lâu dài, “Foodmap sẽ trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam.”
Tùng bộc bạch “Khởi nghiệp không phải dành cho số đông mà dành cho những người phù hợp. Nếu muốn khởi nghiệp các bạn trẻ cần tập trung 100% sức lực và trí lực của mình để thực hiện. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp mình nghĩ có nhiều thử thách, bởi vì Việt Nam chưa phải là một nền nông nghiệp phát triển. Có rất nhiều khó khăn nhưng ở đó cũng có rất nhiều cơ hội.”
Với những hoạt động thiết thực và sáng tạo, cuối năm 2019, Foodmap vinh dự đại diện Việt Nam lọt vào vòng chung kết của Asia Innovates 2019, do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức tại Malaysia và đoạt giải Most Impactful Innovation (Sáng tạo có ảnh hưởng nhất).
Bài, ảnh: Đặng Tuấn Anh