ClockThứ Ba, 25/10/2022 21:00

Sạt lở bờ biển ngày càng phức tạp

TTH - Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ mùa mưa bão năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát và 24 xã, thị trấn vùng ven biển.

Xuất hiện 37 điểm sạt lở, tập trung ở Phú Lộc, A Lưới, Nam ĐôngCần nguồn vốn đầu tư ứng phó sạt lởSạt lở biển diễn biến phức tạp

Xâm thực biển ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) gây sạt lở nhiều hàng quán dịch vụ ven biển

Nguy cơ sạt lở ở nhiều địa phương

Thống kê cho thấy, hiện nay có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 128km bờ biển) bị sạt lở nặng, tập trung ở các địa phương như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP. Huế.

Song song với các dự án xây dựng kè biển, di dân tái định cư (TĐC), các địa phương đã triển khai thực hiện gia cố tạm thời vùng biển bị sạt lở, giảm mức độ sạt lở và xâm thực vào đất liền. Từ mùa mưa bão năm 2020 đến nay - đặc biệt là các trận thiên tai vừa qua, tình trạng sạt lở bờ biển qua địa bàn tỉnh tiếp diễn càng nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận (Phú Vang), ngoài những đoạn đã xây dựng kè ứng phó sạt lở, những vị trí múi kè, khu vực xung yếu triều cường, sóng lớn tiếp tục xâm thực, ăn sâu vào đất liền khoảng 15-20m, trên chiều dài khoảng 2km, đánh trơ gốc nhiều cánh rừng phi lao phòng hộ.

Theo chính quyền địa phương, đoạn bờ biển này là khu vực tiếp nối múi kè đang triển khai thi công chưa hoàn thiện, khu vực chưa được đầu tư xây dựng kè, sóng đánh mạnh gây sạt lở gây nguy cơ ảnh hưởng khu dân cư, mất đất sản xuất nông nghiệp phía bên trong.

Đầu tháng 10/2022, xã Phú Thuận đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng dân quân, người dân xã sử dụng bao cát gia cố đoạn bờ biển sát múi kè An Dương 1, nhằm giảm mức độ sạt lở và xâm thực vào đất liền.

Tương tự, trong những ngày ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6, tại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), sạt lở biển diễn tiến nghiêm trọng ở khu vực thôn Cảnh Dương, Bình An, đánh sập 20 hàng quán  dịch vụ ven biển và nhiều gốc phi lao rừng phòng hộ tại đây.

Còn tại xã Giang Hải, sóng biển xâm thực vào bờ, cắt qua bãi cát có rừng phòng hộ, nước tràn vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân phía bên trong, nguy cơ mở cửa biển mới khu vực này. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khu vực biển Giang Hải vào mùa mưa bão tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3-5m, có nơi cao hơn từ 5- 7m. Trong đó, đặc biệt đoạn bờ biển trong 10 năm trở lại đây đã xói sâu vào khoảng 100- 200m, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Cần giải pháp lâu dài

Ông Trương Văn Giang, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, Giang Hải thông tin, trước mắt UBND tỉnh chỉ đạo đối với các điểm sạt lở vùng xung yếu, phối hợp với các địa phương thực hiện phương án gia cố tạm thời bằng bao cát, vải...

Hiện trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư một số dự án như kè biển Thuận An, Phú Thuận, Giang Hải… Về lâu dài, các sở, ngành cũng đã cho nghiên cứu, đánh giá nguy cơ tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm bố trí vốn, huy động các nguồn lực để kiên cố hóa nhiều đoạn bờ biển trên địa bàn nhằm ứng phó sạt lở. Theo đó, đề xuất sớm bố trí vốn triển khai các công trình chỉnh trị ổn định, chống bồi lấp cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lạch Giang. Hỗ trợ xử lý sạt lở 2km bờ biển vùng xung yếu.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hiện nay ngành chức năng đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặt biệt trong mùa mưa lũ hàng năm và cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Ngoài ra, thông qua các chương trình, địa phương tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển. Đề xuất UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương xây dựng kè chống sạt lở các đoạn sạt lở xung yếu trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện trong thời gian tới.

Mới đây, kiểm tra hệ thống kè biển và tình hình sạt lở tại bờ biển xã Phú Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận tinh thần làm việc của các lực lượng và địa phương nhằm hạn chế tình trạng xâm thực thêm bờ biển. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách với tinh thần nhanh nhất có thể, không để tình trạng biển xâm thực đi sâu thêm vào đất liền, phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc diễn biến sạt lở và đề xuất giải pháp lâu dài đầu tư ứng phó với sạt lở, xâm thực bờ biển.

Trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển khoảng 6,2km, với kinh phí trên 600 tỷ đồng. Theo đó, các dự án được triển khai gồm các đoạn xử lý sạt lở kè đoạn qua xã Hải Dương 730m, Quảng Công dài 1.500m; xử lý sạt lở thôn An Dương, xã Phú Thuận dài 1.148m; xử lý sạt lở khu du lịch AnDamaRa dài 380m và xử lý khẩn cấp bờ biển đoạn qua xã Giang Hải 2.500m.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Vơi bớt nỗi lo sạt lở

Nỗi lo sạt lở của các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) thường trực nhiều năm nay như được vơi bớt khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.

Vơi bớt nỗi lo sạt lở
Return to top