ClockThứ Năm, 13/10/2022 09:32

Cần nguồn vốn đầu tư ứng phó sạt lở

TTH - Sau các trận mưa bão, tình trạng sạt lở bờ biển, sạt lở đất diễn ra nhiều địa phương. Ngành chức năng đề xuất bố trí nguồn vốn kiên cố hóa các tuyến kè, chỉnh trị ổn định bờ biển và di dân tái định cư (TĐC) nhằm đảm bảo an toàn.

Ứng phó nguy cơ sạt lở núi - Kỳ 2: Tái định cư và trồng rừng bền vữngỨng phó nguy cơ sạt lở núi - Kỳ 1: Thấp thỏm bên chân núiĐề phòng lũ quét, sạt lở đất

Tuyến kè biển qua phường Thuận An (TP. Huế) đang triển khai thi công

Ảnh hưởng khu dân cư

Ảnh hưởng bão số 4 vừa qua, vùng ven biển, đầm phá ở các địa phương Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang bị sạt lở nghiêm trọng trên chiều dài hàng trăm mét, ăn sâu đất liền từ 2-5m, nguy cơ ảnh hưởng đến các khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) cho biết, vấn đề sạt lở bờ biển, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương đều đề xuất cấp kinh phí xây dựng kè biển, kiên cố khu vực sạt lở trên chiều dài khoảng 4km. Hiện nay sạt lở diễn ra khá nghiêm trọng, khoảng 800m, ăn sâu vào đất liền khoảng 3,5-4m, tập trung ở thôn Hải Thành.

Qua các đợt TĐC, hiện chỉ còn 36 hộ dân sống cách vùng sạt lở từ 60-80m. Với tình trạng sạt lở bờ biển ngày một diễn biến mạnh qua mỗi mùa mưa bão như hiện nay, nguy cơ ảnh hưởng đến đất nuôi trồng thủy sản, vùng dân cư phía bên trong. Xã đã triển khai các giải pháp dùng các vật liệu gia cố tạm thời các điểm sạt lở nghiêm trọng; trồng các loại cây giữ đất nhằm hạn chế xâm thực, nhưng về lâu dài vẫn cần có dự án (DA) đầu tư kiên cố hóa bờ biển.

Tại xã Giang Hải (Phú Lộc) dù đã được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, nhưng những điểm nằm ở múi nối kè chưa được đầu tư tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể tại khu vực thôn 4, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải, sạt lở với chiều dài khoảng 1.400m. Bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc sau bão số 4 bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5-7m. Nước biển xâm thực vào dải cát và rừng phi lao phòng hộ ven biển, chảy vào ruộng đồng, ảnh hưởng vùng nuôi trồng thủy sản của người dân. Thống kê của địa phương cho thấy, tại xã Giang Hải, nhiều năm qua, hàng chục ha rừng phòng hộ và đất nông nghiệp bị sạt lở và biển xâm thực vào đất liền khoảng 500m, ảnh hưởng sinh kế của người dân.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 128km bờ biển) bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải, Phong Hòa (Phong Điền); Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền); Hải Dương (TP. Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang) và Vinh Mỹ, Giang Hải (Phú Lộc). Vào mùa mưa bão, tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3-5m, có nơi từ 5-7m. Sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển.

Các múi kè ở biển Giang Hải (Phú Lộc) tiếp tục sạt lở, biển xâm thực vào đồng ruộng

Từng bước đầu tư

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, ứng phó với tình hình sạt lở bờ biển, sạt lở đất hiện nay cần các giải pháp công trình và phi công trình. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực xung yếu, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Chính quyền địa phương lắp, dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, để khắc phục hậu quả của bão số 4 và đợt lũ đặc biệt lớn tháng 4, tháng 5/2022 vừa qua, trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, ngoài huy động nguồn lực tại địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh một số công trình dân sinh thiết yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp an toàn hồ chứa.

Theo đó, kiến nghị các bộ ngành bố trí nguồn vốn xây dựng các công trình chỉnh trị ổn định, chống bồi lấp cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lạch Giang, cửa sông Bù Lu và hỗ trợ xử lý sạt lở 2km bờ biển xung yếu qua địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đề xuất Tổng cục Phòng chống thiên tai hỗ trợ nguồn vốn thực hiện 2 DA di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gồm Dự án di dời 34 hộ dân thuộc thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, với kinh phí 30 tỷ đồng và DA di dân tập trung 89 hộ thôn Lấp, Tà Rinh, A Tin xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông với kinh phí 22 tỷ đồng.

Đồng thời, đề xuất xây dựng mới, cải tạo mở rộng và nâng cấp hệ thống các cống trên đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng. Nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước gồm các hồ Nam Giản, Thiềm Cát, A Lá và các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới… với kinh phí 220 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng bản đồ ngập lụt lưu vực sông Hương, bản đồ sự cố vỡ đập.

Ảnh hưởng mưa lớn vừa qua, tuyến đường 71 (dài 22km nối huyện Phong Điền - A Lưới) xuất hiện điểm sạt lở nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến. Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4 đề xuất UBND tỉnh, trong thời gian thi công sửa chữa tuyến đường 71 (tháng 9/2022 đến tháng 10/2022), thông báo cho các chủ đơn vị khai thác rừng tạm thời cấm lưu thông các xe có trọng tải lớn (trên 3,5 tấn) trên tuyến đường 71 nhằm đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư
Các hãng hàng không cần tăng cường sử dụng nhiên liệu bền vững

Theo một nghiên cứu của nhóm vận động giao thông và môi trường có trụ sở tại Brussels, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới vẫn chưa nỗ lực hết sức trong tiến trình chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đồng thời, các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng các nhà sản xuất dầu hiện đang đầu tư quá ít vào quá trình chuyển đổi này.

Các hãng hàng không cần tăng cường sử dụng nhiên liệu bền vững
Return to top