ClockChủ Nhật, 04/08/2024 13:34

Số hóa dữ liệu: Cơ sở xây dựng hải quan số

TTH - Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về Hải quan là cơ sở quan trọng để xây dựng hải quan số và hải quan thông minh. Để thực hiện mục tiêu này, ngành hải quan đang tập trung triển khai quyết liệt nhiệm vụ chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng hải quan thông minh theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 - là chia sẻ ông Đỗ Hoàng Dương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Tăng cường giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệpNgành Hải quan đồng hành với doanh nghiệpCục Hải quan đối thoại với doanh nghiệp

 Ông Đỗ Hoàng Dương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh

Ông Đỗ Hoàng Dương cho biết, ngành hải quan đã và đang triển khai thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện hải quan số. Trước mắt, ngành đang tập trung nguồn lực để xây dựng “hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan”. Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS là sự đột phá trong chuyển đổi số của ngành hải quan. Đây được xem là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành hải quan. Cùng với đó, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp các dịch vụ này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

 Các thủ tục hải quan được triển khai trên môi trường số

Về hải quan thông minh: Đây là bước tiến xa hơn của hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào việc ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), và điện toán đám mây (Cloud Computing)… trong tất cả các khâu nghiệp vụ. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống hải quan có khả năng tự động hóa cao, giảm thiểu sự can thiệp của con người. Đồng thời, tăng cường khả năng giám sát và quản lý; tập trung vào việc xây dựng các nền tảng cửa khẩu số và cảng biển số để tối ưu hóa quy trình thông quan.

Định hướng chung là vậy, còn ở Hải quan Thừa Thiên Huế, công tác chuyển đổi số được triển khai như thế nào - thưa ông?

Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Cục, từ nay đến năm 2025, Cục Hải quan tỉnh phấn đấu triển khai thành công hải quan số theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Theo đó, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu, tham gia cùng toàn ngành xây dựng và triển khai các quy trình nghiệp vụ hải quan, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ triển khai hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Chú trọng phổ biến, thông tin, tuyên truyền cho cán bộ công chức, cộng đồng doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số của ngành. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị trong môi trường số. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các nội dung chuyển đổi số của cơ quan hải quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thông tin, phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn để tranh thủ sự phối hợp trong quá trình triển khai chuyển đổi số của ngành hải quan…

Theo ông, đâu là điểm sáng nhất trong hoạt động này?

Thực tế, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo lộ trình của ngành nên Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã sớm đạt và vượt các mục tiêu đề ra tại kế hoạch cải cách phát triển, hiện đại hóa Hải quan Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2020, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã triển khai áp dụng hiệu quả hải quan điện tử với các điểm nhấn: Thủ tục hải quan điện tử; thanh toán thuế điện tử; chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng phương thức điện tử; giấy phép điện tử và bản lược khai hàng hóa điện tử. Trong đó, nổi bật nhất là 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 3/3 chi cục hải quan trực thuộc thực hiện thủ tục hải quan điện tử với trên 99% doanh nghiệp tham gia.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các nghiệp vụ mà ngành đang triển khai mang lại hiệu quả như thế nào?

Hiện nay, cơ quan hải quan đang vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS và trên 20 hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ vệ tinh khác, phục vụ công tác quản lý hải quan trên các lĩnh vực thông quan, thu thuế xuất, nhập khẩu, giám sát hải quan, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan… Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh cũng đã triển khai áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hải quan, như: Sử dụng máy soi hàng hóa, giám sát kho bãi trực tuyến qua hệ thống camera, sử dụng seal định vị điện tử giám sát hàng hóa đang vận chuyển…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số vào các nghiệp vụ của ngành hải quan đã mang lại những hiệu quả thiết thực giúp nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ của cơ quan hải quan, đồng thời, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan.

Có thể hiểu, việc phát triển dữ liệu số ngành hải quan đã tạo nền tảng cho triển khai hải quan số, hải quan thông minh không, thưa ông?

Việc phát triển dữ liệu số trong lĩnh vực hải quan là nền tảng vững chắc cho việc triển khai hải quan số và hải quan thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trong giải quyết thủ tục hải quan thời gian qua đã giúp cơ quan hải quan xây dựng nền tảng dữ liệu số về thông tin doanh nghiệp, hàng hóa xuất, nhập khẩu, hồ sơ chứng từ xuất, nhập khẩu, kết quả giải quyết thủ tục được số hóa, lưu trữ trên hệ thống; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, nâng cao tính minh bạch, phục vụ hiệu quả công tác quản lý hải quan.

Thời gian tới, ngành hải quan sẽ tập trung phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai hải quan số, hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và hải quan số; ứng dụng công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) để phân tích dữ liệu và dự báo xu hướng, từ đó tối ưu hóa quy trình quản lý và giám sát hải quan. Các hệ thống quản lý thông tin cũng sẽ được tích hợp và vận hành liên tục 24/7, đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu.

Ông có thể chia sẻ thêm về công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện các thủ tục hải quan?

Cục Hải quan tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như tư vấn thủ tục hải quan, hướng dẫn sử dụng các hệ thống khai báo điện tử và cung cấp thông tin kịp thời về các quy định mới; thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, thiết lập nhiều kênh thông tin qua cổng thông tin điện tử, địa chỉ email, zalo… để tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top