ClockThứ Hai, 13/03/2023 15:20

Gỡ khó trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định, để mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Vấn đề hiện nay là cần sớm tìm ra các khoảng trống pháp lý để từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã.

Nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng năm 2023 dự kiến tăng 22.770 tỷ đồngHiệu lực nguồn vốn tín dụng chính sáchHướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên

leftcenterrightdel

 Nhân viên Hợp tác xã Sinh Dược ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chế biến dược liệu. Ảnh: TRẦN GIANG

Tại Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đã hình thành và phát triển gần 70 năm, có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71ha, đồng bằng sông Hồng 0,22ha, duyên hải miền trung 0,01ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để có hiệu quả bền vững.

Tiếp cận vốn tín dụng thấp

Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã, là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.016 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù là đối tượng được ưu tiên, song như nhìn nhận của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, tín dụng cho hợp tác xã thời gian qua trên thực tế còn quá èo uột, quy mô còn hạn chế. Số liệu thống kê được Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Thị Thanh Tùng đưa ra cho thấy, đến nay có hơn 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn 70%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 19%; còn lại là nhóm khác chiếm 11%.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) Phạm Công Bằng, thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng. Khảo sát của hệ thống Liên minh Hợp tác xã cũng cho thấy, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng đa số các hợp tác xã không tiếp cận được.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động, ông Đào Minh Tú cũng khẳng định: Để mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng ngân hàng cần phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho hợp tác xã cũng như thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với loại hình này, từ đó tìm ra các khoảng trống pháp lý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao là do nhiều hợp tác xã còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhiều hợp tác xã chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm; thiếu công khai, minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm... cho nên chưa đủ cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định quyết định cho vay.

Do vậy, để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Phạm Công Bằng kiến nghị, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm hỗ trợ tín dụng cho hoạt động hợp tác xã, vận dụng những quy định về ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện để các hợp tác xã được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp. Cùng với đó, xem xét và từng bước mở rộng cho vay đối với các hợp tác xã thuộc diện trung bình hoạt động trên các lĩnh vực ưu tiên theo cơ chế hiện hành của Nhà nước.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Agribank cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho hợp tác xã; bổ sung các chính sách bảo hiểm cho hợp tác xã và thành viên; đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được ghi thành khoản mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước…

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng, TS Phạm Minh Tú lại đề xuất, để hỗ trợ tài chính cho hợp tác xã hình thành và phát triển, nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi… hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính. Các hợp tác xã vay vốn từ các tổ chức tín dụng bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể. Đồng thời, đề nghị các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngTìm hiểu thẻ tín dụng hạn mức cao
Return to top