ClockThứ Năm, 25/05/2023 08:05

Nỗ lực hạ lãi vay giúp người dân, doanh nghiệp

Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động kể từ ngày 25/5 được nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp đang khó khăn.

Từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 0,5%Lãi suất cho vay và huy động tiếp tục giảmNgân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân lãi suất cho vay vẫn cao

leftcenterrightdel
 Dây chuyền sản xuất giấy hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay

Kể từ ngày 25/5, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5% một năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, NHNN cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của NHNN đối với các tổ chức tín dụng giảm từ mức 6% xuống 5,5% một năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống 5%. Riêng lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5% một năm.

Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo NHNN là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ hơn. Động thái này biểu hiện việc NHNN nới lỏng thanh khoản, từ đó có cơ sở hỗ trợ cho vay nhiều hơn với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ định hướng các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó tạo tiền đề để giảm lãi vay.

Trước đó, ông Lê Quang Chung - Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Smart Invest (AAS) phân tích: NHNN đã có một bước đi khá nhanh, tác động tích cực đối với thị trường tài chính và thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm. Tuy nhiên thời gian qua đối với doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay chưa được tác động nhanh.

"Giai đoạn phát triển tiền tệ đang chậm dần. Việt Nam hoàn toàn có nhiều thuận lợi để áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Thực tế ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đều đang áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng", ông Lê Quang Chung nhận định.

Theo đó, giảm lãi suất là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ nỗi lo về lạm phát sẽ chuyển sang nỗi lo về giảm phát và suy thoái sau một số sự kiện đổ vỡ ngân hàng vừa rồi. Đại diện AAS kỳ vọng sẽ có những nhịp điều chỉnh tích cực trong xu hướng lãi suất vào thời gian tới. Khi tỷ giá giữ được ổn định, Việt Nam sẽ không cần dùng đến các biện pháp về chính sách để điều chỉnh lãi suất.

Đề cập về việc NHNN giảm lãi suất điều hành, TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia phân tích: Động thái này phù hợp với diễn biến tình hình trong nước cũng như quốc tế. Kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm và đã qua đỉnh, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng Trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh tăng ngày 2/5.

“Trong 4 tháng đầu năm nay, một số chỉ số đại diện cho tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8 - 6,8%; lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại; đồng thời giá xăng dầu, nguyên vật liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. So với cùng kỳ, lạm phát giảm từ mức 4,89% trong tháng 1/2023 xuống 2,81% trong tháng 4/2023, bình quân 4 tháng đầu năm 2023 là 3,84%. Lạm phát cơ bản cũng giảm từ 5,21% tháng 1/2023 xuống 4,56% tháng 4/2023, bình quân 4 tháng đầu năm là 4,9%. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3 -5,5%”, TS Võ Trí Thành cho biết.

Khó khăn còn “đeo bám” doanh nghiệp đến cuối năm

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả là tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.

Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn. Các động lực chính của tăng trưởng như: Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu.

Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay cũng khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.

“Cùng với đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Đề cập về thực trạng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: “Không ai muốn một môi trường lãi suất cao. Không có chuyện ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại muốn cao và chỉ doanh nghiệp muốn lãi suất thấp. Lãi suất vẫn ở mức cao do một số nguyên nhân chính như: Rủi ro lạm phát; tâm lý chung của người dân gửi tiền phải có lãi suất thực dương; mức độ rủi ro của nền kinh tế và doanh nghiệp cao khiến áp lực nợ xấu gia tăng... Ngoài ra, vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, khiến mặt bằng lãi suất cũng bị đẩy lên cao”.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, giai đoạn hiện nay, việc hạ lãi suất điều hành sẽ là bước ngoặt mấu chốt tác động dài hạn đến nền kinh tế và vào chi phí giá vốn nền kinh tế.  “Giảm lãi suất sẽ có lợi cho tất cả. Bởi, khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn. Đó là tác động cộng sinh”, TS Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương).

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm, riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu là 1.135.091 tỷ đồng, tương đương 12% GDP. "Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại”, ông Tú Anh tính toán.

Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Nhưng bên cạnh lãi suất, vẫn cần có thêm các giải pháp đồng bộ khác để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng lại tăng từ chiều 19/12

Chiều 19/12, Liên bộ Công thương - Tài chính có đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần. Theo mức điều chỉnh lần này, giá các loại xăng đều tăng, bắt đầu từ 15h chiều nay.

Giá xăng lại tăng từ chiều 19 12
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế

TIN MỚI

Return to top