Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động để bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời lồng ghép nội dung Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào trong Dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, cả về thể lực và trí lực hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển con người; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động: đổi mới, sáng tạo, phát triển việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các bộ, ngành, căn cứ Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam để xây dựng và ban hành các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững trong tháng 11/2019; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá kết quả thực hiện (KPI) công tác xây dựng và ban hành các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các ngành; kiểm tra việc lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2020.
Bộ Tài chính đề xuất chính sách tài chính khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ phát triển các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn...
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ: Hoạt động đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hấp thụ và phát triển công nghệ; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có mô hình đối tác công tư; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, thể thao và Du lịch theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị của các cơ quan, tổ chức quốc tế về phát triển nguồn vốn con người; đề xuất các cơ chế chính sách để thu hẹp khoảng cách về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, văn hóa, y tế, trong đó cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở vùng khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, trong đó cần đặc biệt quan tâm việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về xã hội, môi trường trên địa bàn, nhất là về giáo dục, y tế, phát triển con người, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa...
Theo VPCP