ClockThứ Sáu, 27/01/2023 08:12

Tạo những động lực phát triển mới

TTH - Kêu gọi và tìm chọn được những nhà đầu tư vừa có tâm, vừa có tầm, tạo những động lực phát triển mới là chìa khóa giúp Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạchTập đoàn Phenikaa đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnhTạo điều kiện triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách

 Tàu du lịch cập cảng Chân Mây

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là 1 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có dự án (DA) lên đến hàng tỷ USD.

Điều này không phải là cách nói theo kiểu “tự sướng”, mà cứ nhìn số lượng DA và danh tính các nhà đầu tư đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai đầu tư sẽ rõ. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số DA ngoài ngân sách còn hiệu lực thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh là 324 DA với tổng vốn đầu tư 146.538 tỷ đồng (không tính các DA đã thu hồi). Riêng 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 25 DA được cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 13.789,4 tỷ đồng (gồm 4 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD); trong đó, trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp có 11 DA với tổng vốn đầu tư 4.682 tỷ đồng.

Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong nước lẫn tập đoàn đa quốc gia, như: Vin Group, Sun Group, Tập đoàn đầu tư Sài Gòn - Sàigon Invest Group (SGI), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Scavi, Tập đoàn Banyan Tree (Singapore), Tập đoàn SBH Tây Ban Nha, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế…

Một người quen làm tư vấn pháp lý cho một tập đoàn lớn trong nước, sau một thời gian lăn lộn ở Sài Gòn, nay được tập đoàn "cắm” về Huế để nghiên cứu, tìm kiếm DA, cơ hội đầu tư. Bạn tiết lộ rằng, không riêng tập đoàn bạn mà nhiều tập đoàn lớn khác cũng đã nhanh chân mở văn phòng đại diện hoặc “cắm” người tại Huế để tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư. Bởi, theo đánh giá của các nhà đầu tư, Huế còn nhiều dư địa để phát triển và dự báo sẽ phát triển nhanh trong những năm tới nên không ai muốn chậm chân.

Trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế rất mong và luôn nỗ lực đón những “đại bàng” ngoại lẫn “đại bàng” nội đến “làm tổ”. Không ít “đại bàng” sớm chọn Huế đầu tư nay đã thành công. Chẳng hạn, cách đây hơn 13 năm, Dự án Khu du lịch Laguna Huế do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư, được xem là dự án lớn nhất đến thời điểm đó của Thừa Thiên Huế, với số vốn lên đến tỷ USD. Lúc bấy giờ Cù Dù là vùng quê nghèo, cách trở giao thông, không mấy người biết đến. Mới đây trở lại trải nghiệm, tôi thấy rõ sự đổi thay của vùng đất khi tấp nập du khách quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng. Nhiều con em của vùng đất Cù Dù xưa trở thành nhân viên của khu du lịch. Có được điều này, như lời phát biểu của ông Chủ tịch Tập đoàn Banyan Tree trong lễ khởi công (1/8/2009), dự án Laguna Huế sẽ được thụ hưởng thương hiệu Laguna của tập đoàn. Do vậy, việc quảng bá, thu hút du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại đây cũng nâng tầm quốc tế và có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các khu resort.

Sự thành công của nhà đầu tư minh chứng cho sự nỗ lực lẫn năng lực thu hút đầu tư, tích cực hỗ trợ các đại bàng “xây tổ” của tỉnh, nhất là việc “chọn mặt gởi vàng” đúng địa chỉ. Đây là bài học kinh nghiệm trong đầu tư phát triển không bao giờ bị lỗi thời.

Trong tiến trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế cần rất nhiều nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực và Huế đang trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, việc bảo tồn, phát huy giá trị Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị luôn được quan tâm, nên việc thu hút đầu tư sẽ “kén” hơn. Tỉnh không chỉ xây dựng danh mục các DA kêu gọi đầu tư bài bản, mà còn chú trọng đầu tư vào những vùng trọng điểm, những ngành tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Điều này có thể thấy qua các DA đầu tư hạ tầng xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng biển loại 1, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chân Mây sẽ gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan. Với năng lực đó, không chỉ tạo tiền đề phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhanh, năng động với nhiều dịch vụ khác như vận tải, logistics, hạ tầng, mà còn tạo điều kiện tiên quyết phát triển công nghiệp của tỉnh và cả khu vực miền Trung.

Hoặc mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đề xuất mong muốn được tỉnh tạo điều kiện cho thuê dài hạn trên 30ha ở Khu công nghiệp Phú Bài 4 để hình thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh, trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ toàn diện cho việc sản xuất, kinh doanh sợi. Ngoài ra, giao Vinatex và Công ty CP Dệt May Huế là chủ đầu tư tại 19ha đất khu vực Hương Trà để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hướng tới phát triển trung tâm dệt nhuộm, hình thành chuỗi cung ứng trọn gói tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu các dự án trên được triển khai, không chỉ góp phần giúp ngành dệt may của Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung chủ động về nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn đón đầu cơ hội sản xuất xanh của thế giới đang đặt ra ngày càng khắt khe…

Có thể việc lựa chọn dự án đầu tư “kén” hơn sẽ dẫn đến tốc độ thu hút đầu tư chậm hơn, nhưng với sự hấp dẫn vùng đất Thừa Thiên Huế còn rất nhiều tiềm năng chắc chắn sẽ tìm được những “đại bàng” đích thực đến xây tổ. Đó là điều Thừa Thiên Huế mong muốn và ưu tiên, góp phần tạo ra những động lực phát triển mới bền vững trong tương lai.

Bài: Hoàng Minh

Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top