ClockChủ Nhật, 19/11/2023 15:32
CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM:

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

TTH - Với mục tiêu góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án (DA) tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP. Huế) đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), sớm hoàn thiện theo kế hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.Mặt bằng cho dự án trọng điểm

Dự án đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An đạt khoảng 50% giá trị xây lắp công trình

Còn nhiều vướng mắc

Phạm vi GPMB giai đoạn 1 của DA tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An thuộc địa bàn xã Hải Dương và phường Thuận An (TP. Huế) với tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 31ha. Trong đó, xã Hải Dương thu hồi khoảng 19,6ha, ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 190 hộ dân; phường Thuận An thu hồi khoảng 12ha, ảnh hưởng 4ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa, vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân.

Đến nay, đối với khu vực xã Hải Dương, đã có 76/85 trường hợp đăng ký nhận tiền tạm ứng để di dời các lăng mộ đã được phê duyệt; 100 hộ dân có diện tích trồng lúa và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng với số tiền là 5,2 tỷ đồng.

 Dự án đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An đảm bảo tiến độ thi công

Mặc dù số hộ còn lại chưa được phê duyệt, nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế (TTPTQĐTP) và xã Hải Dương đã vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng một số vị trí cần thiết để giao chủ đầu tư thi công. Hoàn thành việc bàn giao để thực hiện đoạn 1,4km còn vướng mặt bằng từ cầu Tam Giang về khu vực nghĩa địa.

Khu vực phường Thuận An về mồ mả hiện nay có 70/86 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã và đang liên hệ TTPTQĐTP để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và di dời, dự kiến di dời xong trước ngày 30/11/2023. Tại phường này có 229 hộ dân có đất ở cần giải tỏa, trong đó 120 trường hợp bố trí TĐC. Hiện cơ quan chức năng đã tổng hợp trình Phòng TN&MT TP. Huế 122 hồ sơ, đã có kết quả thẩm định điều kiện đền bù về đất.

Theo TTPTQĐTP, vướng mắc hiện nay do trước đó UBND tỉnh ban hành Quyết định số 44/2023/QĐ-UBND ngày 10/8/2023 về việc quy định một số nội dung cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, không quy định cụ thể diện tích tối thiểu để được cấp phép xây dựng, điều này dẫn đến khó khăn việc thực hiện thu hồi phần diện tích còn lại để bố trí TĐC cho các hộ gia đình cá nhân, vì nhiều trường hợp diện tích sau khi thu hồi còn lại dưới 25m2.

Đối với DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 3,57ha, trong đó tại phường Kim Long hơn 2,27ha và phường Phường Đúc gần 1,3ha. Các trường hợp bị ảnh hưởng GPMB tại phường Kim Long gồm có 26 thửa đất thu hồi, dự kiến TĐC gồm 17 hộ (7 hộ chính và 10 hộ phụ); tại phường Phường Đúc gồm 105 thửa đất thu hồi với 161 hộ.

Phó Giám đốc TTPTQĐTP Bùi Ngọc Chánh thông tin, đối với DA này, tại khu vực phường Phường Đúc các trường hợp bị ảnh hưởng GPMB gồm có 105 thửa đất bị thu hồi, với 72 hộ chính và 89 hộ phụ bị ảnh hưởng. Quỹ đất nhận bàn giao tại khu TĐC Lịch Đợi giai đoạn 3 gồm 142 lô (25 lô có diện tích trên 100m2 và 117 lô diện tích 100m2). Hiện nay chủ đầu tư đang điều chỉnh quỹ đất và đánh số thửa, trích lục thửa đất để bàn giao cho trung tâm bố trí TĐC cho các hộ dân.

Đẩy nhanh tiến độ

DA tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An nối xã Hải Dương với phường Thuận An giai đoạn 1 do Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022, thực hiện với thời gian 3 năm do liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình thi công. Quy mô tuyến dài gần 8km, trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m, bề rộng 20m.

Theo Ban QLDA, tổng số vốn đã bố trí cho DA là hơn 1.252 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 là 600 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân hơn 1.245  tỷ đồng, trong đó năm 2023 là hơn 593 tỷ đồng, đạt khoảng 98,85%. Đến nay tổng giá trị xây lắp công trình đã thực hiện hơn 1.058/2.088 tỷ đồng, đạt khoảng hơn 50%.

Ghi nhận trên công trường cho thấy, cầu vượt cửa biển Thuận An sau 20 tháng thi công đang dần rõ “hình hài” với hàng trăm công nhân cùng các máy móc đang tăng ca triển khai thi công. Trong điều kiện cuối mùa mưa bão phần nào ảnh hưởng tiến độ, đơn vị thi công tận động những ngày thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp nhằm đẩy nhanh tiến độ DA. Khối lượng đã thực hiện đến nay bao gồm hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi. Một số hạng mục đã và đang thi công như hoàn thiện 23/50 trụ, 172/326 dầm cầu và đang thi công thân, xà mũ 19/50 trụ…

Tại DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, công tác thi công ở đây cũng tiến hành khẩn trương với khoảng 100 công nhân trên công tường. DA được khởi công tháng 12/2022, với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương (ngân sách trung ương 800 tỷ đồng), do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính - Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế thi công với thời gian 3 năm.

Sau một thời gian thi công, nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính đang triển khai thi công tất cả các mũi trên các mố, trụ công trình, trừ trụ P4 và mố A2 đang vướng mặt bằng. Tiến độ thi công trong thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hạng mục thân trụ P3 và bệ trụ P1, P4 bị chậm 6 ngày do lũ lụt.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban QLDA đánh giá, tiến độ thi công, chất lượng các hạng mục công trình hiện nay đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, quy mô DA. Kế hoạch thực hiện DA đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành các trụ P1&P4, trụ P2 lắp đặt chân vòm CV1-CV4, trụ P3 hoàn thành trụ và lắp các đốt chân vòm CV1-CV4. Đơn vị thi công sẽ tiến hành gia công chế tạo thép vòm, dầm dọc, dầm ngang. Đóng, ép cọc đường đi bộ, tường chắn phía mố A1. Thi công các cọc khoan nhồi phần cầu nhánh đi bộ và hệ thống sàn đạo để lắp dầm.

Tuy nhiên, hiện mặt bằng đường đầu cầu phía đường Bùi Thị Xuân và mố A2 vẫn còn vướng chưa triển khai thi công. Chủ đầu tư tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại để có mặt bằng hoàn chỉnh triển khai DA.

Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:
Lần đầu trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội nghe các trưởng ngành trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Dự án Luật Nhà giáo và thảo luận ở tổ vào chiều cùng ngày. Đây là lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình tại Quốc hội.

Lần đầu trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International (Humanity & Inclusion) (HI) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp" giai đoạn 2024-2027.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

TIN MỚI

Return to top