ClockThứ Tư, 06/04/2022 07:47

Thêm hướng tiếp cận dèng

TTH - Thông tin giới thiệu dèng A Lưới trên các kênh thương mại điện tử rất ít. Hiện đang có dự án giới thiệu sản phẩm này theo hướng trực tuyến, nhưng chỉ mới một góc độ. Về lâu dài, dèng cần nhiều hơn…

Xúc tiến thương mại xuyên biên giới: Chỉ bằng “cú kích chuột”Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trên ShopeeSửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử

Thành viên CPED giới thiệu mẫu thiết kế dèng thời trang hiện đại cho phụ nữ xã Lâm Đớt

Còn nhiều việc phải làm

Một nữ doanh nhân trẻ cho biết, công ty dệt may P. ở TP. Hồ Chí Minh muốn mua khăn choàng dệt dèng tặng cho đối tác với số lượng lớn song không có đủ hàng, chị đến tận cơ sở dệt mua góp. Khăn mang về không đồng nhất kích cỡ, phải xén lại và xử lý nhiều khâu mới ra món quà tặng khách. Đến khi cần hóa đơn thanh toán cũng không có, chị đành tìm cách xoay sở.

Dèng A Lưới đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu tập thể gắn với nhiều sản phẩm. Toàn huyện có 5 hợp tác xã (HTX), 2 tổ hợp tác dệt dèng với khoảng 500 người tham gia. Thử gõ tìm kiếm thông tin về dèng trên internet, ngoài những bài viết, hiện chỉ có HTX Thổ cẩm xanh ở thị trấn A Lưới là có thông tin giới thiệu sản phẩm, song khá đơn điệu.

Dịch bệnh tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm thời gian qua, trong khi đó, các kênh quảng bá trực tuyến, tham gia các trang giới thiệu cho dèng rất ít. Bà Hồ Thị Ngợp, Hội LHPN xã Lâm Đớt cho hay, sản phẩm làm ra chủ yếu bán trong địa bàn huyện, một ít ở Quảng Nam, Quảng Trị. Chị em tận dụng mạng xã hội để đăng bán sản phẩm, song người làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nếu có thêm các đơn hàng bên ngoài thì thu nhập của người dệt dèng sẽ tốt hơn”, bà Ngợp nói.

Khăn choàng dèng của HTX dèng Nhâm (nay là xã Quảng Nhâm sau sáp nhập) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Thế nhưng, “thi thoảng mới nhận được đặt hàng của huyện hoặc một vài khách lẻ. Khách hàng lớn của HTX hiện nay là Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa (TP. Huế) đặt dèng nguyên tấm để thiết kế thời trang”, chị Lê Thị Kim Thoại - Giám đốc HTX dèng Quảng Nhâm chia sẻ. Bàn về hướng đi cho nghề, chị Thoại không giấu chuyện tập tành cách thức giới thiệu sản phẩm trên facebook nhưng phải nhờ con cháu, người quen vì không rành công nghệ. “Thấy họ bán hàng trên facebook và các kênh mê lắm, nhưng chị em mình không có kỹ năng làm”, chị Thoại bộc bạch.

Được biết, huyện A Lưới đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc thù của đồng bào. Ông Nguyễn Quốc Thạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng A Lưới nhận định, còn nhiều chuyện cần làm cho dèng như bà con thiếu kỹ năng tiếp cận thị trường, cải tiến khung dệt nhằm giảm giá thành, sự đồng hành dài lâu trong thiết kế mẫu mã hàng hóa…

Có thể tìm hiểu dèng trực tuyến

Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa (CPED) đang triển khai dự án “Nghề thủ công dệt nên tương lai mới của thời trang bền vững” do Hội đồng Anh tài trợ. Mục tiêu xây dựng tư liệu hướng dẫn trực tuyến và các video hướng dẫn quy trình, từ cách lên ý tưởng, tạo ra các thiết kế tinh gọn… Một bộ sưu tập do nhà thiết kế từ Anh và Mỹ phối hợp sử dụng dèng làm nguyên liệu chính… nhằm đưa nghề dệt dèng đến gần hơn với thị trường, xu hướng quốc tế.

Bên cạnh đó, những hình ảnh về nghề sẽ được chọn lọc đưa vào “online manual art book” (Sách nghệ thuật hướng dẫn trực tuyến - tạm dịch). Cuốn sách song ngữ Việt - Anh mô tả cách làm việc với nghệ nhân dệt vải và góc nhìn từ nhà thiết kế, giảng viên Victoria Ho (Anh Quốc).

Dự án giúp các nhà thiết kế, nghiên cứu, học sinh, sinh viên... có thêm nguồn tham khảo, tiếp cận làm việc với nghệ nhân, thủ công, làng nghề truyền thống khác với những gì họ học theo phom mẫu ở trường và làm việc với nhà máy. Khi hoàn thiện, sản phẩm sẽ được đưa lên nền tảng facebook, instagram… Đặc biệt, tư liệu dự án còn được giảng viên Victoria Ho chia sẻ tại các trường đại học Anh, Mỹ, Singapore…

Chị Lê Thị Châu Quỳnh, Giám đốc CPED, người phụ trách dự án cho hay: "Chúng tôi đang hoàn thiện những bước cuối cùng. Tuy kinh phí tài trợ khoảng 250 triệu đồng - con số không nhiều, nhưng có giá trị lớn để thực hiện mục tiêu giữ nghề và tìm đầu ra cho làng nghề”.

Theo ông Nguyễn Quốc Thạnh, việc quảng bá dèng trên nền tảng công nghệ hoặc các kênh thương mại điện tử cần sự chung tay từ nhiều nguồn. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thị Sửu cho rằng: “Quảng bá dèng trực tuyến nên được xúc tiến sớm hơn để lan tỏa. Dự án của CPED rất có ý nghĩa trong thời điểm này. Việc đưa công nghệ quảng bá cần tính toán, thực hiện kỹ lưỡng nhằm giúp người xem hình dung cái tinh túy nhất của dèng. Dèng luôn gắn với cơ thể của người dệt trong quá trình thực hiện nên nó còn mang giá trị tinh thần, đời sống”…

Ý kiến của bà Sửu cũng là trăn trở của những người yêu mến, gắn bó dèng A Lưới. Mong có thêm nhiều hoạt động, dự án để dèng được đi xa hơn…

Bài, ảnh: L.Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top