Người nuôi chăm sóc ong
Từ Nam ra Bắc
Tại trại của mình, với “gia tài” 150 đàn ong, ông Phạm Khắc Thiệp - 49 tuổi, hiện đang tạm trú tại Lộc Hòa (Phú Lộc) kể cho chúng tôi hành trình theo đôi cánh của loài côn trùng có ích này. “Tôi nuôi ong đã 17 năm. Mỗi năm là một hành trình dài từ bắc vào nam. Tháng 3, tháng 4, cuối mùa hoa vải, tôi cùng bầy ong di chuyển từ Hưng Yên vào Huế. Đến tháng 10, 11 bầy ong lại vào Tây Nguyên”, ông Thiệp nói.
Cũng như ông Thiệp, anh Nguyễn Văn Thục, quê Hải Dương đã 10 năm cùng đàn ong của mình vào đất Cố đô. Anh chia sẻ: “Chăm con ong cần nhất là kỹ thuật và hiểu tập tính của loài. Ong rất nhạy cảm với thời tiết. Những lúc “trái gió trở trời” phải bổ sung kịp thời vitamin C, B12 để chúng nâng cao sức đề kháng”.
Anh Hà Văn Sắt, 42 tuổi, người sở hữu 700 đàn ong không cùng quê với hai đồng nghiệp. Lộc Hòa (Phú Lộc) là quê hương, song anh cũng phải theo đàn ong đi khắp nơi để tìm mật.
Giữa anh Sắt và hơn 20 chủ trại ong ở Lộc Hòa đã hình thành “luật” bất thành văn mà chúng tôi tạm gọi là luật tương trợ. Ở đây, mọi người hỗ trợ nhau “quay mật”, tức là thu hoạch mật ong. Cứ đều đặn lịch, nhân lực của trại ong này sẽ sang giúp trại ong khác thu hoạch mật. Ngoài lợi ích có được người làm đảm bảo kinh nghiệm, việc đổi công này sẽ giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân lực. Ngoài ra, với những chủ trại bốn mùa xa xứ, dịp tụ hội anh em bè bạn còn giúp họ xua tan nỗi nhớ nhà.
Chúng tôi thầm vui lây với anhThục và ông Thiệp. Trên đất khách, họ vào ra nhà anh Sắt như nhà mình, ăn bữa cơm, giặt tấm áo, chuyện trò cùng các cháu nhỏ. Họ tự cho mình là thợ chăn ong, có duyên gặp nhau, và coi nhau như anh em ruột thịt.
Lắm đắng cay
Khi được hỏi về mũi chích của ong, những chủ trại chỉ nhìn chúng tôi cười. Ong chích đối với họ như là một sự hiển nhiên, “nghề nào nghiệp ấy”. Nhiều năm lăn lộn trong nghề, những con người ấy rắn rỏi lên, và quen dần với nọc độc. “Phương châm khi tiếp cận ong là bình tĩnh, và không giết ong nếu chưa thật sự cần thiết. Chúng tôi có nhiều đồ nghề hỗ trợ như mũ lưới, găng tay, song phần lớn vẫn làm “chay” vì đã quen nghề và hiểu chúng” – anh Sắt nói.
Người làm nghề nuôi ong có nhiều nỗi lo, thế nhưng chúng tôi nhận thấy nỗi lo lớn nhất của họ là khu vực đặt trại ong. Nguyên tắc khi nuôi loài này đó là diện tích và mật độ phù hợp, tối thiểu là 1km2 đối với 150 đàn ong. Anh Sắt khẳng định: “Không gì vui sướng bằng việc chúng tôi được tạo điều kiện để đặt trại ong. Nhiều nơi mọi người vui vẻ chào đón chúng tôi, nhiều nơi lại không. Họ chưa hiểu rằng với loài côn trùng này, đi đến đâu sẽ giúp cây cối phát triển, làm tăng năng suất cây trồng đến đấy”.
Do là loài bị thu hút bởi ánh sáng, thế nên bóng đèn trong căn chòi bạt của ông Thiệp luôn được bọc trong tấm áo. Cạnh chòi, một tấm bạt to được treo, che khuất phần ánh điện hắt ra từ ngôi nhà của người dân gần đó. Ông Thiệp cười hiền, đằng sau đó là một nỗi lo nhân hậu: “Tấm bạt được treo để tránh ong theo hướng sáng mà bay vào nhà dân. Nhỡ nó đốt mấy đứa con nít thì tội lắm…”.
Rong ruổi cực nhọc khắp nơi, thế nhưng vẫn có lúc người nuôi ong nếm “mật đắng”. Vị đắng chẳng phải do đàn ong không cần mẫn, mà là do thị trường tiêu thụ mật bấp bênh, phụ thuộc. Vị đắng do thời tiết ngày càng cực đoan, bất lợi, hoa theo mùa nhưng lúc có lúc không. Vị đắng còn ở cả những nơi còn thành kiến với họ, dù họ là những con người nuôi ong chân chất…
Bài, ảnh: Mai Huế