Theo dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, TP HCM sẽ thực hiện thí điểm khoán xe công theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đây là nội dung của đề án “Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền thành phố” mà TP HCM đã xây dựng thời gian qua.
Ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty Công ích thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM - đơn vị trực tiếp tham gia đề án "Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền thành phố" cho biết, có 5 đơn vị sẽ tham gia thí điểm trong đề án này, đó là: Sở Tài Chính, Văn phòng Ủy ban, UBND huyện Bình Chánh, UBND quận Bình Thạnh và Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.
Đến thời điểm này, Công ty Công ích của Thanh niên xung phong đã làm việc xong với 5 đơn vị này, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện vào đầu năm 2018. Các đầu xe và tài xế của 5 đơn vị đã được giao về cho Công ty công ích lực lượng Thanh niên xung phong quản lý.
TP HCM sẽ là địa phương đi đầu thực hiện thí điểm khoán xe công theo đề xuất của Bộ Tài chính. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Căn cứ theo định biên, chức danh được sử dụng xe hàng tháng, từng đơn vị sẽ ký kết hợp đồng thoả thuận theo từng hình thức, như khoán xe tháng, theo cây số hoặc theo chuyến, rối trường hợp đột xuất … sẽ được công ty công ích bàn bạc thoả thuận chi tiết cụ thể với từng đơn vị để phục vụ theo nhu cầu.
Theo phân tích của ông Lê Thành Khoa, cái lợi trước trước mắt đối với 5 đơn vị trên đây là giảm được chi phí cho việc bảo trì, sửa chữa xe, xăng dầu và lương thưởng cùng các chế độ cho đội ngũ lái xe và cả kinh phí đầu tư mua xe mới.
Theo tính toán ban đầu, hiện nay, mỗi cơ quan đang quản lý 5 đầu xe với chi phí khoảng 15 triệu đồng/xe/tháng. Nhưng khi giao về cho Thanh niên xung phong thì định mức tiêu chuẩn của mỗi đơn vị chỉ còn 2 xe, với chi phí 20 triệu đồng/xe/tháng.
Như vậy, ngân sách chi cho xe cộ của mỗi đơn vị sẽ giảm từ 75 triệu đồng/tháng xuống còn 40 triệu đồng/tháng. Còn ai có nhu cầu đi việc riêng thì bỏ tiền túi ra thuê, không được phép sử dụng xe công. Và khi thuê, các xe được định vị và lập trình đường đi, tránh việc điều xe đi không đúng mục đích, khó kiểm soát như lâu nay.
Trao đổi về vấn đề khoán xe công hiện nay, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, xe công chỉ dùng cho mục đích công và nên đưa vào ngân sách, từng cơ quan phải tính toán để sử dụng xe sao cho hợp lý, tiết kiệm ngân sách. Còn việc chuyển giao xe công về cho một đơn vị quản lý và điều phối thì mới chỉ là giải pháp trước mắt:
“Việc thành lập trung tâm quản lý điều hành xe công chỉ là giải pháp quá độ trước mắt. Trong trường hợp xe công sử dụng tràn lan, cần có trung tâm quản lý số xe công. Trung tâm này cần hoạt động rõ ràng, chỉ phục vụ công chức đi lại vì việc công, không phục vụ vì mục đích cá nhân”, chuyên gia Phạm Sang lưu ý.
Hiện toàn TP HCM có khoảng 700 xe công, khi Lực lượng Thanh niên xung phong quản lý số xe này sẽ cân đối lại, xe nào còn trong niên hạn thì sẽ tiếp tục sử dụng, còn xe nào hết thời hạn thì đơn vị cũ sẽ thanh lý. Ngoài ra, lực lượng thanh niên xung phong sẽ đầu tư mua xe mới để cung cấp thêm cho các Sở, ban, ngành hoặc các chương trình lớn cùa thành phố.
Để tránh sự bị động trong việc cung cấp xe công, ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty Công ích thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong cho biết, khi cung cấp xe cho các đơn vị sẽ hướng theo hình thức cung cấp dịch vụ hàng tháng, mỗi xe bao nhiêu km. Trên cơ sở đó công ty sẽ ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị, xe và tài xế sẽ nằm ở các đơn vị cũ, khi có việc đột xuất họ sẽ tự điều động trong phạm vi km đã thống nhất trong hợp đồng dịch vụ của mình.
TP HCM sẽ thực hiện thí điểm khoán xe công trong khoảng thời gian 6 tháng đối với 5 đơn vị nêu trên. Sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai tiếp. Việc khoán xe công theo đánh giá của các chuyên gia sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề, đó là: tiết kiệm, chống được lãng phí và đặc biệt là chống tham nhũng; góp phần tăng năng suất, chất lượng lao động nâng cao hiệu quả công việc...
Tuy nhiên, nếu chỉ mình TP HCM thí điểm khoán xe công thì chưa đủ mà phải thực hiện trong phạm vi cả nước. TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, vấn đề khoán xe công, không nên để cho địa phương này địa phương kia tự nguyện.
“Việc khoán xe công cần phải theo một quy định chung của quốc gia, của nền hành chính, không nên chỉ để mỗi TP HCM làm. Nếu chỉ riêng TP HCM có thể sẽ thành công, nhưng cần phải nghiêm túc áp dụng cho cả nước, không theo kiểu tự nguyện như hiện nay”, TS. Trần Du Lịch góp ý.
Cũng theo nhiều chuyên gia, muốn thực hiện khoán xe công, trước hết phải xử lý cho được việc sử dụng xe công không đúng mục đích. Bởi lâu nay việc lạm dụng xe công vào việc riêng rất phổ biến, nhưng xử lý chưa nghiêm.
Theo VOV