ClockChủ Nhật, 13/10/2019 12:05

Thí điểm mô hình doanh nghiệp số

TTH - Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh - Dương Tuấn Anh có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về những hạn chế, thế mạnh, điểm “nghẽn” và kỳ vọng của cộng đồng DN tỉnh với mong muốn để hội viên, DN hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập.

Đưa nông sản Việt sạch đến tận tay người tiêu dùngĐồng hành cùng doanh nghiệpLuôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Dương Tuấn Anh

Có thể không so sánh về quy mô, song DN Thừa Thiên Huế vẫn có những thế mạnh riêng, phải không, thưa ông?

Theo tôi, thế mạnh của DN Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn là các DN hoạt động trong các ngành du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, dệt may, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và nông nghiệp... Cộng đồng DN tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể từ khi tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đây, nhiều DN có cách tiếp cận mới trong hoạt động SXKD cũng như điều hành quản lý.

Điều đáng mừng là cộng đồng DN đã hình thành một đội ngũ doanh nhân trẻ, giàu nhiệt huyết, khát vọng được cống hiến. Ngay trong HHDN cũng đã có hàng trăm CEO (giám đốc điều hành) trẻ, có nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả, đã và đang đầu tư công sức để xây dựng DN số, ứng dụng công nghệ số để quản trị DN thông minh.

Ông có thể nói điều gì về điểm yếu?

So với mặt bằng chung, số lượng DN trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô năng lực sản xuất kinh doanh đa số vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh còn thấp so với thị trường khu vực và cả nước.

Ông từng nói, DN Huế “ngại” vươn ra “biển lớn”, một phần nguyên nhân là do thiếu sự liên kết. Vậy trong phương hướng hoạt động của Hiệp hội, sự kết nối, liên kết được cụ thể hoá bằng những hoạt động như thế nào?

Thời gian qua, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN trong tỉnh và tích cực thực hiện vai trò cầu nối giữa DN và Nhà nước.

Cụ thể, nhiều vướng mắc của DN về thuế, tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, về kinh doanh các ngành nghề có điều kiện... đã được Hiệp hội đề xuất với lãnh đạo tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại các diễn đàn “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành với DN”, hầu hết vướng mắc của DN đã được giải quyết thỏa đáng.

Hiện nay, có không ít DN đã và đang “mang chuông đi đánh tỉnh bạn”. Đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo, thưa ông?

Việc DN Huế “mang chuông đi đánh tỉnh bạn” cũng như DN ngoại tỉnh đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế, theo tôi, là một tín hiệu tốt. Qua đó, DN chúng ta sẽ trưởng thành, đúc rút thêm kinh nghiệm, thu hút đầu tư về Huế từ những vùng đất hứa đó.

Cũng không nên quy kết DN đi “đánh bắt xa bờ” là do môi trường kinh doanh của tỉnh không thuận lợi. Tôi tin rằng, DN luôn mang trong mình những ý tưởng muốn được thử thách, mạo hiểm để lớn lên.

Tại Huế, hiện không thiếu những doanh nhân ngoại tỉnh chọn Cố đô làm nơi phát triển sự nghiệp và kinh doanh thành công như: DMZ, các công ty: Anh Tuấn, Phong Lan… Những DN cho rằng do môi trường Huế khó “làm ăn” nên chọn đi xa chỉ là những trường hợp cá biệt.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều quan tâm, “ưu ái” tạo điều kiện cho DN, cụ thể là luôn lắng nghe, đối thoại. Nhưng liệu còn điểm “nghẽn” ở đâu khiến số lượng DN và quy mô chưa như mong đợi?

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm "made in Hue" thân thiện môi trường cho du khách

Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển DN nhưng nhìn chung, công tác phát triển DN của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nỗ lực cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khu vực hành chính liên quan đến DN; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa cao... Thực tế, vẫn còn những điểm “nghẽn ngầm”, “trên thì thông, dưới không thoáng”, làm cho DN đi nơi này vướng cái này, đi nơi khác vướng cái khác.

Bên cạnh đó, một số khó khăn trong hoạt động nội tại của DN như: thiếu vốn, tồn hàng, trình độ công nghệ của các DN phần lớn ở mức trung bình, số DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến còn ít; nhiều sản phẩm, dịch vụ chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như việc DN xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ chưa nhiều... cũng làm hạn chế sự phát triển của DN.

Vậy cộng đồng DN Huế đang mong muốn và trông đợi gì ngoài yếu tố nội lực tự thân của họ?

Trước hết, DN vẫn luôn khát khao được hoạt động sản xuất kinh doanh trong môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Được hưởng đầy đủ các ưu đãi của Nhà nước và tỉnh từ những chính sách đã ban hành. Tuy vậy, việc này có khả thi hay không tùy thuộc vào nỗ lực của các sở, ngành đang quản lý trực tiếp .

Cộng đồng DN cũng mong tỉnh có đột phá từ những mũi nhọn kinh tế, tạo môi trường để DN tham gia đóng góp và được hưởng lợi từ những dự án trọng điểm của tỉnh.

Hiện, việc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương khác khá tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự liên kết kinh tế giữa DN FDI với DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa chưa tốt. Trong khi những DN này rất cần sự liên kết trong từng chuỗi giá trị để phát huy vai trò của mình.

Vì vậy, khi ký kết hợp tác với DN FDI, tỉnh cần xem xét, ưu tiên các DN FDI có triển vọng liên kết, giúp DN địa phương tham gia vào chuỗi giá trị mà ở đó, DN có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì... Đồng thời, rất cần một trung tâm có tính pháp lý cao theo quy định của Chính phủ để làm nhiệm vụ kết nối và khí có các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương.

Tỉnh cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của quỹ đầu tư phát triển để quỹ này có hiệu quả trong thực tế. Từ đó, có nhiều hơn các DN được hưởng ưu đãi từ quỹ. Ngoài ra, cộng đồng DN và Hiệp hội cũng rất cần sự hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho DN.

Với vai trò “cầu nối”, Hiệp hội sẽ có hướng đi mới thế nào để vừa làm tròn vai, vừa tạo chất xúc tác để cộng đồng DN Huế tiếp tục lớn mạnh?

Với lợi thế sẵn có mối quan hệ với hơn 650 DN hội viên và cộng đồng DN tỉnh nói chung, Hiệp hội và 8 đơn vị trực thuộc đã tích cực thực hiện vai trò cầu nối của mình và sẽ tập trung các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới: mở rộng các mối quan hệ, ký kết thêm các quy chế, thỏa thuận phối hợp hoạt động với VCCI Đà Nẵng, Đại học Huế… Tăng cường kết nối, phối hợp giữa DN với tỉnh và các ngành liên quan trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... góp phần giúp DN vượt qua khó khăn để phát triển SXKD cũng như cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho DN.

Năm nay, Hiệp hội đã và sẽ chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ DN đầu tư xây dựng mô hình DN số. Để hiện thực hoá điều này, chúng tôi sẽ cố gắng kết nối các điều kiện để hỗ trợ DN xúc tiến thực hiện thí điểm mô hình DN số và nhân rộng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng tăng cường chỉ đạo thực hiện trách nhiệm xã hội DN, tập trung vào 3 hoạt động chính: Đẩy mạnh xây dựng văn hóa DN; vận động DN thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, có ý thức SXKD gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã...

Xin cảm ơn ông!

LIÊN MINH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

TIN MỚI

Return to top