Xuất khẩu tăng nhưng đừng vội mừng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong 6 tháng năm 2018 đạt khoảng 3,57 triệu tấn, với giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan.
Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, cao hơn cả giá gạo Thái Lan sau nhiều năm bị đánh giá là lép vế về giá và chất lượng. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Long, một doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua các doanh nghiệp tên tuổi đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Úc để trúng thầu xuất 60.000 tấn gạo lứt Japonica sang thị trường khó tính Hàn Quốc.
Mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam đã khởi sắc nhưng ngành lúa gạo Việt vẫn chưa được định danh trên thị trường thế giới
Theo các chuyên gia, trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân nên chất lượng gạo đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đừng nhìn những thành quả bước đầu trên mà mừng vội. Nếu đẩy giá gạo lên bằng giá gạo Thái Lan thì xuất khẩu gạo sẽ gặp khó và ngành lúa gạo vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ngành lúa gạo hiện nay thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã còn lỏng lẻo, sản xuất manh mún. Trong khi đó, ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, muốn bán được giá cao, sản phẩm lúa gạo phải có thương hiệu. Nhiều nơi chỉ biết đến thương hiệu gạo Thái Lan mà chưa biết đến thương hiệu gạo Việt Nam.
GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp Việt Nam cho hay, sản lượng và giá trị xuất khẩu của gạo Việt tăng là do sự cố gắng của doanh nghiệp. Dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến, nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo, dù vậy tỷ lệ vẫn còn ở mức thấp.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết, việc doanh nghiệp tư nhân trúng thầu lần này là tín hiệu vui, bởi gạo Việt đã thâm nhập được vào thị trường khó tính, có yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt. Song Việt Nam có một nghịch lý là cánh đồng lớn nhưng nông hộ nhỏ, nên rất khó để phát triển. Vì thế nên khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất. Khi làm tốt, có chất lượng đồng đều, có đủ số lượng lớn, lúc đó mới làm thương hiệu được.
Lý giải nguyên nhân giá gạo Việt vượt qua cả giá gạo Thái Lan, ông Nguyễn Đình Bích, nguyên chuyên gia Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là gạo nếp và gạo chất lượng cao có tỷ lệ xuất khẩu trong vòng 2 năm trở lại đây nhiều hơn. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Bích cũng lo ngại, “nếu đẩy giá gạo lên bằng giá Thái Lan thì xuất khẩu gạo sẽ gặp khó. Vì nhiều thị trường như châu Phi, Trung Quốc sẽ không tiếp tục mua”.
Đầu tư vào nông nghiệp một cách chuyên nghiệp
GS. Võ Tòng Xuân - người đã từng gắn bó với hạt gạo 40 năm trăn trở, để hạt gạo có chỗ đứng trên thị trường thế giới, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân. Nếu không có chính sách khuyến khích, người dân khó đi đúng hướng. Cần chấm dứt cảnh trên một cánh đồng mà có cả chục giống lúa, đến khi thương lái đi thu mua, bán lại cho doanh nghiệp hết cả chục giống thì doanh nghiệp không thể biết được giống nào với giống nào vì bị trộn lẫn hết, và cũng không biết là người nông dân nào làm ra, xuất xứ từ đâu. Điều này dẫn đến tình trạng, chất lượng gạo của Việt Nam vẫn thấp, không truy nguyên xuất xứ và bị mang tiếng là gạo không sạch. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng hiện nay chuộng mua gạo Thái và gạo Campuchia ăn cho yên tâm hơn.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, trước hết, phải đi từ khâu chọn giống, tức phải tìm được loại lúa có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất ra gạo có thương hiệu. Giống lúa này không cần phải lai tạo mới, tốn nhiều công phu, mà mình chỉ cần bình tuyển lại những giống lúa cho ra gạo ngon để chọn ra 2- 3 giống ngon nhất, từ đó nhân giống ra cho nông dân trồng. Chỉ cần mất tối đa 5 năm là chúng ta có thể làm được. Sản xuất gạo đạt chất lượng cao để trước tiên cho người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, kế đến mới tiếp tục xúc tiến thương mại trên thị trường quốc tế.
“Nếu có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu sản xuất thì tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ thành công, thắng lợi hơn nữa. Chúng ta sẽ lấy lại được uy tín của Việt Nam trên thị trường lúa gạo”, GS. Võ Tòng Xuân khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Bảnh cho hay, muốn duy trì chất lượng gạo như hiện nay thì cần có giống tốt đủ sức chống lại mưa lũ, triều cường, xâm nhập mặn. Hiện, Việt Nam có nhiều giống lúa tốt nhưng khâu tổ chức sản xuất còn yếu nên cần tổ chức lại.
“Nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách chuyên nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tìm hiểu sở thích của từng nước, từng đối tác thích loại gạo nào để từ đó tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Bảnh nêu rõ.
Theo VOV