ClockThứ Ba, 16/02/2021 14:35

“Chạm” vào cảm xúc khách hàng

TTH - Nếu thương hiệu cho khách hàng biết doanh nghiệp (DN) là ai và hoạt động trong lĩnh vực nào thì câu chuyện về “lịch sử - nguồn gốc” sản phẩm khiến khách hàng nhớ về chúng lâu hơn.

Tập trung hỗ trợ các sản phẩm làng nghề và OCOP2 sản phẩm OCOP đạt mức điểm 4 saoOCOP hướng đến sản phẩm hàng hóa

Sản phẩm được “thổi hồn” từ bao bì

Chuẩn bị trở lại TP. Hồ Chí Minh sau chuỗi ngày về thăm quê, cô bạn nói muốn mua một vài đặc sản Huế làm quà. Giữa muôn vàn món đặc sản, bạn khựng lại thật lâu, mân mê hộp kẹo cau. “Chừ không biết răng còn đủ cứng để ăn kẹo ni không hè?”

Thay vì gói trong những miếng lá chuối hay giấy báo tạm bợ, kẹo cau được xếp gọn gàng trong những chiếc hộp nhỏ. Như lời của cô chủ cửa hàng đặc sản Huế -Mộc Truly (gọi tắt là Mộc) Phạm Thị Diệu Huyền: “Tôi muốn mỗi sản phẩm đặc sản Huế phải được nâng niu như hồi ức đẹp vậy”.

Có lẽ vì vậy mà trong số 15 sản phẩm Diệu Huyền chọn để cải tiến mẫu mã, công bố chất lượng, mỗi sản phẩm đều mang trong mình một câu chuyện thú vị.

Theo một khảo sát, hơn 60% khách hàng sẽ cảm tình với thương hiệu xây dựng được hình ảnh, câu chuyện mang tính nhân văn, khác biệt và có xu hướng mua sản phẩm ẩn chứa những nội dung, thông điệp hấp dẫn. Đó là lý do khiến một số doanh nghiệp chọn cách đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm nhằm “định danh” cho hàng hóa của mình.

1. Những ai yêu mến văn hóa đồng bào vùng cao A Lưới, có lẽ từng nghe về câu chuyện sử thi A Chất của người Tà Ôi. Tuy nhiên ít ai biết rằng, chuyện về người anh hùng này cũng được lồng vào từng sản phẩm Zèng như một biểu trưng mang tính văn hóa, tạo nên nét riêng cho từng sản phẩm hay một cách nhận diện Zèng với thổ cẩm của vùng đất khác. Ví như chiếc khăn Zèng của HTX Nhâm có hoạt tiết kể về tình yêu của chàng trai A Chất và cô gái nhà giàu, xinh đẹp. Vượt qua bao thử thách, họ mới được bên nhau.

Bà Lê Thị Kim Thoại, Giám đốc HTX thổ cẩm xã Nhâm chia sẻ, các sản phẩm dệt thổ cẩm trên cả nước có những nét tương đồng với nhau. Tuy nhiên, một vài mô típ, vị trí của nó trên nền chất liệu là đại diện bản sắc của từng dân tộc. Như chiếc khăn Zèng kể câu chuyện cổ thông qua hoa văn Ngkoang kating (cây cổ thụ kating) một biểu tượng của dốc Pârsee (dốc tình yêu bất tử), nơi ghi dấu cuộc tình của chàng trai trẻ mồ côi, nghèo khó với cô gái xinh đẹp, tài năng. Thông qua mô tip tạo hình với đường gấp khúc màu đỏ hoặc bằng cườm, chúng tôi muốn kể về nét văn hóa riêng của vùng đất A Lưới mà không nơi nào có được.

Đưa câu chuyện vào sản phẩm đặc sản địa phương không chỉ mang văn hóa đi xa mà còn là cách chạm vào cảm xúc của nhiều người.

2. Trở lại chuyện cô bạn ở Sài Thành chọn sản phẩm mứt gừng, kẹo cau… của Mộc làm quà, cô chia sẻ lý do: “Không chỉ để ăn, mà để thưởng thức”.

Chủ nhân Mộc Truly nói rằng, khi bán sản phẩm cho khách, chị muốn giới thiệu với họ những câu chuyện về văn hóa, về lịch sử để khách hàng hiểu và thêm trân quý sản phẩm.

Câu chuyện về món mứt gừng của Mộc cũng vậy, chủ nhân của nhãn hiệu này chọn hình ảnh làng nghề mứt gừng Kim Long và vùng trồng gừng Tuần nức tiếng ở ngã ba Sông Hương. Ngoài câu chuyện, Mộc còn xây dựng nên các thiết kế mang đậm chất Huế khi đưa hình ảnh áo dài, chiếc nón, tranh làng Sình, tranh sen vào từng sản phẩm. “Cầm trên tay hộp mứt gừng, sen sấy… với hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, nắp hộp làm từ nón lá Hương Toàn, Mộc muốn kể cho khách nghe câu chuyện áo dài và chiếc nón lá mang hơi thở văn hóa Huế. Hơn ai hết, đó còn là niềm tự hào về bản sắc văn hóa và con người Huế”, chị Huyền trải lòng.

3. Nhìn dưới góc độ nghiên cứu, TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế cho rằng, đặc sản Huế cần được kể lại thành những câu chuyện, như nước mắm Hàm Hương của làng An Bằng là một ân điển ghi dấu truyền thống thủy binh của các vị khai canh từng phò giá chúa Nguyễn vào Nam... Các địa danh phải hiện hữu trong những sản phẩm và những sản phẩm phải chứa đựng những câu chuyện kể mang đậm dấu ấn địa danh với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Một vật phẩm lúc đó không còn thuần túy là một sản phẩm mà là thổ sản, đặc sản của một vùng đất, một vùng văn hóa.

Ngẫm lại, có lẽ các sản phẩm đặc sản Huế mà rộng hơn các sản phẩm chủ lực mà các địa phương xây dựng thương hiệu theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) vẫn đang thiếu câu chuyện văn hóa của riêng mình. Bởi trong trăm ngàn cái na ná nhau, đặc trưng sẽ là điểm nhận diện nên thương hiệu. Và việc tạo nên câu chuyện riêng cho từng sản phẩm không chỉ tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt mà còn là cách “thổi hồn” văn hóa vào từng sản phẩm.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong một chuyến khảo sát, làm việc tại Thừa Thiên Huế cũng từng lưu ý: “Sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường không chỉ có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... mà quan trọng là qua đó phản ánh được dấu ấn của từng địa phương, đề cao giá trị truyền thống của mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng dân cư”.

Triết lý marketing “khác biệt hay là chết” của những bậc thầy kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc chiến thương trường. Tên sản phẩm của bạn còn được nhớ đến hay không tùy thuộc vào cách doanh nghiệp chạm đến tầng nấc nào cảm xúc của khách hàng, chứ không đơn thuần là chuyện “mua bánh - trả tiền” là xong...

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”

Ngày 12/12, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin: Từ tháng 11/2024, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng” năm 2024, hướng đến chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Đặc sản Huế ngon nên thưởng thức khi đi du lịch Huế

Ẩm thực đặc sản Huế với những món ăn tinh tế, đậm đà hương vị luôn là niềm tự hào của người dân cố đô. Nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương với những giá trị về văn hóa, lịch sử, con người và thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Mỗi món ăn đều có sức hấp dẫn riêng nhưng tất cả đều toát một điểm chung “rất Huế”. Mời bạn cùng khám phá và thưởng thức ngay nhé!

Đặc sản Huế ngon nên thưởng thức khi đi du lịch Huế
Return to top