ClockThứ Bảy, 10/09/2016 14:54

Cổ phần hóa DNNN: Cần ngăn “lợi ích nhóm” và thất thoát vốn

Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kiến nghị cần có những biện pháp để tránh “lợi ích nhóm” lợi dụng làm thất thoát vốn của nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ ngành đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh như Sabeco, Habeco, Vinamilk... Theo đó, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán những doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá cao động thái quyết liệt này và kiến nghị cần có những biện pháp để tránh “lợi ích nhóm” lợi dụng làm thất thoát vốn của nhà nước.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là hai trong số các doanh nghiệp nhà nước được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, nhưng nhiều năm qua, quá trình cổ phần hóa rất ì ạch. Bộ Công Thương hiện nắm giữ gần 90% cổ phần tại Sabeco và 81,79% cổ phần tại Habeco. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 2 công ty này sẽ phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán và việc thoái vốn  thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ ngành đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn (Ảnh minh họa: KT)

TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa rất lớn, nhưng những năm qua, bộ chủ quản “dùng dằng” không mặn mà với việc cổ phần hóa, hay những vụ “lùm xùm” bổ nhiệm một số nhân sự tại Sabeco.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, cần có chế tài gắn trách nhiệm cá nhân nếu không thực hiện được cổ phần hóa: “Cần cụ thể, yêu cầu đưa lên sàn thì ai sẽ giám sát và có chế tài gì, gia thời hạn trong vòng mấy tháng mà không hoàn thành, ví dụ như ở Bộ Công Thương, nếu không thoái vốn được ở hai công ty rượu bia - nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương có dám chịu trách nhiệm hay không? Như Bộ Giao thông Vận tải, nếu lãnh đạo nào thực hiện cổ phần hóa, đến hẹn mà không làm được thì chỉ thị cho người khác làm hoặc thuyên chuyển. Như thế thì mới gọi là có chế tài, mới có sự quyết liệt. ”

Ngoài Habeco và Sabeco, tới đây, nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước khác, trong đó có những tên tuổi lớn được các nhà đầu tư chờ đợi từ lâu như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, Công ty Cổ phần FPT...

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đây là thông tin tốt cho thị trường. Tuy nhiên, rào cản hiện nay là do “lợi ích nhóm” chi phối, làm chậm tiến độ cổ phần hóa, không muốn giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước để dễ dàng thao túng, điều hành doanh nghiệp. Từ đó có thể lợi dụng bổ nhiệm nhân sự là người thân nắm giữ vị trí chủ chốt của doanh nghiệp hoặc biến tài sản của Nhà nước thành của riêng.

Trong bối cảnh này cần thiết thành lập Ủy ban quản lý và giám sát tài sản các doanh nghiệp ở các bộ ngành địa phương về một đầu mối. Đây chỉ là biện pháp tình thế, cơ bản vẫn là cổ phần hóa thoái vốn nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng Hải, nếu việc bán cổ phần không minh bạch thì rất dễ xảy ra chuyện cộng tác với nhau để chia nhau lợi ích. Nhóm lợi ích có thể làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc làm việc với nhà đầu tư trong nước. Sau đó họ mới chuyển hóa cho nhà đầu tư nước ngoài qua đấu giá. Do đó, phải đẩy mạnh niêm yết chứng khoán, minh bạch thông tin. Đẩy giá lên theo đúng gia thị trường. Sau khi niêm yết, minh bạch thông tin thì tổ chức đấu giá công khai cho các nhà đầu tư tham gia. Hạn chế việc rút bán thỏa thuận, Nhà nước dễ thất thu.

Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% vốn sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng. Số lượng người trực tiếp, gián tiếp đang nắm giữ khối tài sản này rất nhiều, bởi vậy, sẽ không khó hiểu vì sao ít người muốn buông ra. Điều này cũng một phần lý giải vì sao tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước lại chưa đạt kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình, Nhà nước sẽ thoái vốn hết tại những doanh nghiệp, lĩnh vực không cần nắm giữ. Kinh nghiệm cho thấy bộ chủ quản nào quyết liệt thay thế lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý chần chừ, cản trở cổ phần hóa thì tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp ở đó mới thành công. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa phải đảm bảo minh bạch công khai thông tin, quá trình này cũng phải theo thông lệ thị trường, việc xác định giá trị doanh nghiệp, đánh giá tài sản doanh nghiệp phải đảm bảo theo đúng thị trường, tính đúng đủ không làm rẻ vốn nhà nước.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Cổ phần hóa không làm bằng mọi giá, phải làm có tiến độ, tính toán sao cho có giá trị cao nhất, chọn được nhà đầu tư thực sự đến với mình, tránh tình trạng bán ra cho nhà đầu tư cơ hội, sau đó bán lại cho nhà đầu tư tài chính thì dẫn đến đồng vốn giảm đi. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó sẽ bán vốn, thoái vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, khớp lệnh hoặc đấu giá, từ đó sẽ thu về được nguồn lực tài chính cho nhà nước phát triển kinh tế xã hội.”

Các chuyên gia cũng nhận định, việc bán vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp nhà nước lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tín hiệu tích cực cho việc đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Dù vậy, cần phải tính tới yếu tố thị trường, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và mất vốn nhà nước. Điều quan trọng nữa, là nghiên cứu tách bạch bộ chủ quản và chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, bởi nếu không, sẽ khó ngăn được tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, cũng như các lợi ích nhóm cản trở quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giai đoạn 2022 - 2025, thoái vốn 141 doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: Duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.

Giai đoạn 2022 - 2025, thoái vốn 141 doanh nghiệp
Từ lợi ích nhóm đến tham nhũng

Xét khía cạnh nào đó thì “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” đã chứa đựng hàm ý nói về tham nhũng. Có người còn xem đó là loại “tham nhũng đặc biệt”, tham nhũng có tổ chức. Thực tế, trong những năm qua, số vụ tham nhũng lớn hầu hết đều xuất phát từ các nhóm lợi ích.

Từ lợi ích nhóm đến tham nhũng

TIN MỚI

Return to top