ClockThứ Sáu, 27/12/2019 07:00

Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế: Bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng

TTH - Sau một năm thành lập và hoạt động, dù bộ máy tổ chức của Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế có nhiều thay đổi, song nhờ kế thừa và có sự chỉ đạo, liên thông từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý thị trường (QLTT) đảm bảo giữ ổn định thị trường tại địa bàn cố định cũng như trên khâu lưu thông.

Góp phần bình ổn giá cuối nămỔn định cuộc sống khi lợn được tiêu thụ

Hàng hóa vi phạm bị tịch thu, lưu kho để tiêu hủy

Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm

Với vai trò là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, thời gian qua, Cục QLTT kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Trong đó tập trung thực hiện theo 3 hình thức kiểm tra: kiểm tra theo kế hoạch năm, kiểm tra chuyên đề trên cơ sở nhận định một số lĩnh vực, ngành hàng nóng, nhạy cảm và kiểm tra đột xuất theo nghiệp vụ của QLTT.

Cụ thể, năm 2019, Cục QLTT đã ban hành 6 kế hoạch, 17 công văn để chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Căn cứ tình hình thị trường từng thời điểm cụ thể, Cục đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ được giao và đạt hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: kế hoạch kiểm tra thị trường trước trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi; kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm; kế hoạch kiểm tra xăng dầu…; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong các dịp lễ hội…

Qua tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, số vụ đơn vị kiểm tra trong năm 2019 là 2.237 vụ, đạt gần 121% kế hoạch năm, tăng 9,34% so năm 2018. Trong đó, số vụ không vi phạm là 471 vụ, đang xử lý 15 vụ, đã xử lý 1.751 vụ vi phạm về: kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, niêm yết giá, kinh doanh hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, vi phạm điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tổng giá trị thực hiện hơn 9,4 tỷ đồng, đạt hơn 174% kế hoạch năm và tăng 18,68% so với năm 2018.

Cùng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, tiểu thương tại các chợ truyền thống, năm qua, Cục QLTT đã ký 23 quy chế phối hợp công tác với các đơn vị trên địa bàn quản lý, nhằm mục đích nối dài cánh tay cùng lực lượng QLTT đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó đã kịp thời nắm thông tin, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thương mại, quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời chấn chỉnh, thay đổi nhận thức cho các chủ cơ sở kinh doanh lành mạnh, tuân thủ quy định pháp luật.

Lực lượng QLTT bắt giữ, tịch thu hàng hóa vi phạm trên tuyến lưu thông

Đổi mới, chuyên nghiệp

Mặc dù thị trường Thừa Thiên Huế được xem khá ổn định, "thuần", song do nằm giữa hai đầu đất nước, có nhiều tuyến giao thương, nên địa bàn vẫn là tâm điểm của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tại một số thời điểm, tình hình này diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nhất là trong bối cảnh hiện nay gia tăng các loại hình kinh doanh, phân phối và thanh toán theo hướng hiện đại phát triển mạnh, gây nguy cơ xảy ra các yếu tố tiêu cực trên thị trường.

Các đối tượng vi phạm hiện rất manh động và liều lĩnh; phần nào đã nắm được một số phương thức triệt phá của cơ quan chức năng để né tránh; gia tăng việc liên kết xuyên biên giới, liên vùng, liên tỉnh và nhiều thủ đoạn tinh vi khác để đối phó các lực lượng chức năng; lợi dụng kẽ hở và sự chồng chéo của các văn bản của Nhà nước để vi phạm thu lợi bất chính.

Tình hình vi phạm pháp luật về: niêm yết giá hàng hóa, nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa hết hạn sử dụng… còn xảy ra tại nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn cố định. Hoạt động bán hàng qua mạng xã hội phát triển mạnh gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - ông Nguyễn Duy Thành cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế và được sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ Bộ Công thương, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh đã đề ra những giải pháp, chỉ đạo các đội QLTT, phòng nghiệp vụ đẩy mạnh thực hiện, duy trì sự ổn định thị trường, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2019.

Trong đó, hoạt động QLTT đã có nhiều đổi mới, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác: quản lý, chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền; phối hợp; kiểm tra xử lý vi phạm.

Đến nay, toàn bộ văn bản hành chính đến, đi của Cục đều được số hóa và lưu trữ đầy đủ và khoa học trên hệ thống phần mềm hồ sơ công việc của tỉnh và của Tổng cục QLTT, qua đó phục vụ kịp thời công việc chuyên môn và công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Cục, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm được chi phí in ấn, sao văn bản.

Bước đầu triển khai áp dụng các phần mềm của Tổng cục QLTT trong quản lý điều hành công việc trong toàn Cục và triển khai sử dụng phần mềm Hệ thống đô thị thông minh của tỉnh đã giúp đơn vị tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến công tác QLTT trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, tạo niềm tin cho người dân, du khách.

"Tiếp tục nhiệm vụ ổn định thị trường, đáp ứng vai trò QLTT trong thời kỳ mới, Cục QLTT đẩy mạnh xây dựng lực lượng theo hướng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại", ông Nguyễn Duy Thành thông tin.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

TIN MỚI

Return to top