Các tour du lịch trải nghiệm trong tỉnh được khách lựa chọn. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Kích cầu
Trong khi nhiều DN loay hoay tìm hướng đi sau khi tình hình dịch COVID-19 trong nước tạm lắng, một số DN lại coi đây là bước đệm, chuẩn bị cho những kịch bản phát triển mới, những ý tưởng trong tương lai.
Sau tết, DN bắt đầu cảm nhận được những khó khăn trong đầu tư phát triển kinh doanh. Mộc Truly Huế, DN khởi nghiệp lĩnh vực đặc sản cũng trong guồng quay đó. Không có khách du lịch, giãn cách xã hội, sản phẩm đặc sản của Mộc Truly Huế thiếu “đất dụng võ”.
Thay vì “chờ thời”, Phạm Thị Diệu Huyền, Giám đốc Mộc Truly Huế bắt tay biến những hồ đầy bèo, rau muống, lục bình ở khu vực lăng vua Thiệu Trị, Phú Lương A (Quảng Điền) và sông Ngự Hà đoạn hai bên cửa An Hòa thành những hồ sen, vừa tạo cảnh quan vừa tăng giá trị kinh tế bằng cách xây dựng thương hiệu đặc sản.
Với sản phẩm thu được, Diệu Huyền tìm gặp nhiều chuyên gia, mày mò tìm hiểu về công thức pha chế trà sen và mới đây, sản phẩm trà sen với thương hiệu Mộc Truly Huế chính thức ra mắt. Sản phẩm sen tươi, hoa sen, trà tim sen của Mộc Truly được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Sản phẩm mới của Mộc Truly Huế. Ảnh: HOÀNG LOAN
Theo chị Huyền, nếu chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi cơ hội đến thì mình rất dễ lạc hậu. Trong lúc “nghỉ dịch”, mình tìm thêm những hướng mới để chinh phục bản thân, thêm sản phẩm mới để tạo đột phá sau khi tình hình dịch bệnh tạm lắng.
Dịch COVID-19 bùng phát, khó khăn nhất phải kể đến các công ty du lịch khi đa số đều phải đóng cửa, các hợp đồng đã ký trước đó phải hủy, nhân sự cắt giảm để giảm bớt chi phí... Vì thế, ngay sau khi tình hình dịch bệnh trong nước tạm ổn, DN du lịch bắt tay đào tạo đội ngũ nhân sự, xây dựng những tour tuyến đặc trưng mới nhằm thu hút khách.
Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Đại Bàng chia sẻ: Nếu như mọi năm, đây là thời gian cao điểm cho những tour du lịch nước ngoài thì thời điểm này, phân khúc này hầu như “đóng băng”. Tâm lý người dân ngại đi du lịch, nhất là các tour di chuyển xa. Vì thế, công ty tập trung vào phân khúc du lịch trong nước, nhất là các điểm đến hấp dẫn về khám phá ẩm thực, văn hóa Huế.
Nhiều tour du lịch cộng đồng đang được công ty khai thác với nguồn khách tốt, như tour khu du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, Park Tam Giang Lagoon, làng nghề mây tre đan Bao La; du lịch sinh thái Nam Đông, A Lưới… Để thu hút khách hàng, các DN này cũng xây dựng các chương trình khuyến mại, kích cầu, tặng quà lưu niệm cho khách.
Ngoài kích cầu du lịch trong tỉnh, mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã giới thiệu chương trình liên minh kích cầu với gần 110 DN du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều sản phẩm chất lượng, điểm hấp dẫn và mới lạ giảm giá từ 30% - 50% đến hết 31/12/2020 được giới thiệu đến các đối tác nhằm tăng lượng khách.
Liên kết
Thích ứng được xem là hướng đi giúp DN đứng vững trong thời gian này. Ví như các DN dệt may, thay vì trung thành với các sản phẩm truyền thống xuất khẩu ra các nước cũng tiếp cận với sản phẩm mới như sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu, đơn cử như các công ty: Scavi, Hudatex (Huế)…
Ngoài nỗ lực của DN, các chính sách kinh tế từ vi mô đến vĩ mô cũng đã tạo được động lực giúp DN phục hồi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-l9. Các chính sách tín dụng như giãn nợ, giảm lãi suất, giãn các nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp của DN, giảm thuế nhập khẩu vật tư… cũng được áp dụng.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Cương, sau đại dịch này, các nước trên thế giới đều có xu hướng hướng nội, tự chủ cao hơn để không lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố nước ngoài. Trong điều kiện như hiện nay, thị trường nội địa chính là phao cứu sinh cho cả DN và người tiêu dùng. Vấn đề hiện nay là làm sao tạo được mối liên kết giữa các DN; sự hỗ trợ của chính quyền, các sở ngành để sản phẩm của DN sản xuất trong nước có chỗ đứng ngay tại nơi sản xuất.
Các chương trình người Việt dùng hàng Việt; Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ CEO… triển khai các chương trình hỗ trợ sử dụng sản phẩm của nhau nhằm tăng lượng tiêu thụ tại chỗ đang là hướng đi phát huy được hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị DN cho rằng, kinh tế càng khủng hoảng, việc quản lý dòng tiền hiệu quả càng phải được chú trọng. Ngoài tầm nhìn chiến lược, đội ngũ marketing, nhân sự giỏi, hay nguồn lực kinh tế mạnh…, nhất là người đứng đầu DN phải học hỏi các kỹ năng quản trị dòng tiền để đưa ra các quyết định trong từng thời điểm cụ thể nhằm hạn chế rủi ro.
HOÀNG LOAN