Các ngân hàng vẫn triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi
Giảm lãi suất các gói vay mới
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào, các ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất huy động thấp. Điều này tạo nên nhiều dư địa trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay.
Trong gần một năm rưỡi dịch bùng phát, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã liên tục triển khai 6 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hiện, Vietcombank chi nhánh Huế đang triển khai rất nhiều chương trình lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng vay mới nhằm đáp ứng cho từng nhóm khách hàng và các nhu cầu vay đa dạng khác nhau. Trong đó, chương trình lãi suất cạnh tranh năm 2021 dành cho khách hàng cá nhân và DN nhỏ và vừa vay kinh doanh… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống; 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 đến 24 tháng; 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.
Song song với chương trình này, Vietcombank còn triển khai chương trình an tâm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DN nhỏ và vừa với mức lãi suất vay cố định trong các kỳ hạn dài 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm và 10 năm. Hai chương trình trên được triển khai kéo dài đến 31/3/2022 hoặc tới khi hết quy mô của chương trình.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng triển khai giảm sâu lãi suất tín dụng của gói vay vốn trung, dài hạn mới 2021 với tên gọi “đồng hành, vươn xa”. Theo đó, từ ngày 27/5/2021, khi tham gia vay vốn, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất giảm sâu chỉ còn từ 6,2%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên. Đồng thời, khách hàng có tài khoản nhận lương tại BIDV được giảm thêm lãi suất vay tối đa 0,2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong 1 năm đầu tiên.
Duy trì mức lãi suất cho vay thấp, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cũng là xu hướng của rất nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn có thêm nguồn vốn khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng BIDV triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi
Khó giảm chuẩn tín dụng
Giảm lãi suất cho vay là cách giúp cả ngân hàng và khách hàng vượt khó trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho rằng các gói vay ưu đãi này rất khó tiếp cận.
Chủ một DN khẳng định, các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế rất khó để DN có thể tiếp cận với các chương trình cho vay lãi suất thấp. Bởi, ngân hàng giảm lãi suất nhưng không hề giảm chuẩn tín dụng. Và để được vay vốn, ngân hàng yêu cầu DN phải kê khai doanh số, dòng tiền nhưng thời điểm dịch bệnh như hiện nay khó lòng đánh giá được hiệu quả dòng tiền hay doanh số. Chưa nói, các chính sách khác đi kèm cũng khiến DN “trầy vi tróc vảy”.
Tuy nhiên, đại diện phía ngân hàng cho rằng, việc giữ nguyên chuẩn tín dụng là rất cần thiết. Vì nguồn vốn mà các ngân hàng cho vay được hình thành từ nguồn tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế nên trách nhiệm của các ngân hàng là phải bảo toàn được nguồn vốn này. Nếu hạ chuẩn tín dụng thì nguy cơ nợ xấu, thậm chí mất vốn là rất lớn.
Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thừa Thiên Huế, để tăng cường việc tiếp cận vốn của các DN, NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội DN, Hiệp hội Du lịch… đẩy mạnh chương trình kết nối DN - ngân hàng. Tập trung vào các giải pháp tạo điều kiện cho DN, người dân có nhu cầu vay vốn không có tài sản thế chấp, nhưng có phương án kinh doanh khả thi sẽ được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đến cuối tháng 5, tổng dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 54.800 tỷ đồng, tăng 5,65% so với đầu năm, nợ xấu nội bảng tại các TCTD trên địa bàn ở mức 628,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,16%.
Bài, ảnh: Hoàng Loan